CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie

P/s: Chào các bạn, sau một khoảng thời gian đổ lỗi cho hai chữ “bận rộn” thì giờ Dreamiie cũng đã quay trở lại với bài viết mới trên blog. Hôm nay, Dreamiie vừa làm lễ tốt nghiệp Đại Học, có nhiều chuyện xảy ra quá. Cảm giác thời gian trôi nhanh như một cái chớp mi, Dreamiie đã luôn hy vọng mình sẽ làm được nhiều thứ cho ngày đặc biệt này, cuối cùng thì nó vẫn là khoảnh khắc để lại cho mình nhiều tiếc nuối nhất. Dreamiie xin phép được xưng “tôi” trong bài viết này để thể hiện được đúng, được thành thật với cảm xúc của chính mình khi đối diện lại chặng đường học hành của bản thân trong suốt chừng đó mười mấy năm qua.

    CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 1Đối với tôi, viết blog cũng là cách để duy trì sở thích, nuôi dưỡng cảm xúc, học hỏi và tự hoàn thiện vốn từ của mình.

1/ Cuộc sống hiện tại của tôi vẫn ổn, nhưng bản thân tôi thì không!

Tự trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ hài lòng với những gì mình đã đạt được. Tôi biết mình sẽ còn làm được tốt hơn nếu như dốc hết 100% công lực cho từng việc, dù là nhỏ bé nhất. Phải, tôi là kiểu người luôn tự dày vò bản thân bởi những mục tiêu, nhưng đến thời điểm này, tôi biết mình đang có và khuyết ở điểm gì. Có lẽ, tôi chưa bằng lòng với kiến thức và kĩ năng mà mình có, càng đi nhiều, trải nghiệm nhiều tôi mới biết mình thiếu rất nhiều thứ. Khi tôi nhận ra hiện thực này thì cũng là lúc đã bước sang tuổi 21, không quá trẻ, cũng chẳng quá già, nó khiến tôi ám ảnh, trăn trở gần như hằng ngày. Đó chính là khả năng TỰ HỌC, tôi là một người không có khả năng TỰ HỌC và khi hiểu ra điều này, tôi thực sự sốc, trước hết là với chính mình, tiếp theo là với nền giáo dục đã bao dung mà chứa chấp tôi đến tận ngày hôm nay.

    CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 2Bước ra thế giới rộng lớn, tôi mới hiểu việc học đâu chỉ giới hạn trong những trang giấy, những quyển đề cương nhàu nát từ bao thập kỷ!

Tôi đã có kế hoạch về việc sẽ học cao học ở nước ngoài khoảng một năm nay và vẫn đang tiếp tục thực hiện mục tiêu này vào cuối năm sau. Sẽ là ngành học mà tôi yêu thích ( yêu thích vì tôi đã từng trải nghiệm trong công việc thực tế) và vì….nó thức thời, thị trường đón nhận nó và cơ hội rộng mở ở khắp mọi nơi. Hình như, tôi khoe hơi nhiều rồi nhỉ? Những gì tôi đang có, thật tình chẳng có gì đặc sắc, với một đứa mà khả năng TỰ HỌC kém thế này thì đúng là có đi đâu, học gì cũng thế. Nhưng đó là chuyện của một năm trước, tôi sẽ kể cho bạn nghe về con đường học vấn của tôi, những vỡ òa còn chẳng kịp khóc và cách làm thế nào mà chỉ trong một năm qua, tôi đã luyện được khả năng TỰ HỌC lẫn những phép màu mà nó mang lại cho tôi.

2/ Khi xuất phát điểm ban đầu không thể bình thường, tôi không cần phải tỏ ra khác biệt:

Thành quả đến với tôi chưa bao giờ là dễ dàng, cuộc đời luôn thử thách tôi trước khi ban đến bất cứ một cơ hội nào đó. Xuất phát điểm khi tôi sinh ra không được bình thường như những đứa trẻ khác. Mẹ mang thai tôi ngay thời điểm phát bệnh bướu cổ, bác sĩ cảnh báo trước với ba mẹ rằng 98% tôi sẽ bị chậm phát triên về trí tuệ, sẽ hạn chế rất nhiều về mặt cân nặng lẫn chiều cao. Quả thực là như vậy, có không ít người ngạc nhìn khi nhìn thấy tôi ở bên ngoài khác xa với hình ảnh trên mạng xã hội, nom tôi nhỏ xíu và trẻ con hơn hẳn. Năm 2001, tôi băt đầu bập bẹ đi học tiểu học, ngày đầu tiên đến lớp đã bị cô giáo mắng vì không biết viết số 7, tôi nhớ như in câu chửi đổng mà cô chủ nhiệm năm lớp 3 từng ném vào mặt tôi: “Nhìn mặt mày lanh khôn thế kia, hóa ra lại học dốt à!”. Đời tôi, từ bé đến giờ, có hai việc khiến tôi cảm thấy khổ sở nhất: Một là ăn, hai là học. Ai cũng mỉa mai, là trẻ con, hai việc đó còn không xong thì nên cơm cháo gì. Ăn thì lười, ngậm hàng giờ vẫn chưa xong bát cơm, học thì dốt, rặn cả buổi vẫn chưa tính xong một phép toán. Mỗi ngày đến lớp đối với tôi đều hệt như cảm giác ngồi trên chiếc chảo lửa, nhất là trong giờ kiểm tra, nhìn quanh quanh các bạn đều cắm cúi bấm máy tính, ghi nháp liên hồi, rồi đặt bút viết rất tự tin vào tờ giấy thi, tôi thực sự hoảng loạn.

CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 3
Nhìn quanh quanh các bạn đều cắm cúi bấm máy tính, ghi nháp liên hồi, rồi đặt bút viết rất tự tin vào tờ giấy thi, tôi thực sự hoảng loạn.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ học Đại học hay làm một cái gì đó tương tự như công việc hiện tại mà tôi đang làm. Đó là quản lý nhiều đầu việc khác nhau và triển khai mọi thứ đôi khi chỉ dựa trên vài gạch đầu dòng, đại loại theo kiểu ngồi trong phòng kính, có vài người chủ chốt brainstorm liên tục, feed back rồi dealine, rồi push rồi training… Hồi đó, hai chữ Đại học xa xỉ lắm, Việt Nam làm gì có nhiều trường đại học tư hay bán công chất lượng như ngày nay, rồi hội thảo hướng nghiệp, trung tâm tư vấn du học để hoạch định tương lai phía trước. Cả hệ thống giáo dục nháo nhào vì hai chữ Đại học từ khi mầm non còn tấm bé. Hằng năm, cứ đến tháng 7 là thông tin báo đài cả nước ra rả suốt về chuyện thi Đại học, điểm chuẩn, điểm sàn, trường top, thủ khoa, bla bla…Giống như cảm giác đậu Đại học là chuyện sống còn với nhân loại, còn những đứa rớt hay không học Đại học bị xem như ung nhọt đáng xua đuổi, tránh xa. Thế giới tôi đang sống, quả thực rất đáng sợ.

3/ Chuyện học hành “rất nhạt” của tôi:

Hồi nhỏ, tôi sống ở Vũng Tàu với gia đình, nhìn vẻ ngoài, mọi thứ rất bình yên như chính thành phố này. Không cần đề cập nhiều,  cấp 1 lực học sàng sàng nhau còn đỡ, chứ sang cấp 2, cứ mỗi đầu năm học mới, khi ổn định chỗ ngồi, chẳng đứa nào muốn lại ngồi gần tôi. Tiếng ác đồn xa, chuyện tôi học dở tệ mà cả khối ai ai cũng biết. Các kì thi chuẩn hóa của trường luôn khiến tôi rất bất an, khổ sở. Người ta thường có câu “học tài thi phận” dành cho các bạn có năng lực giỏi nhưng vì thiếu đi một ít may mắn mà không đạt kết quả như mong đợi, nhưng xã hội dường như quên đi một bộ phận khác, cũng rất đáng thương, tội nghiệp không kém, đó là những đứa “học hoài mà vẫn không thi nổi”. Người ta mất 3 phút để hiểu ra một vấn đề, còn tôi có khi sau 3 ngày vẫn chưa thể thông não được. Bạn bè nhoắng vài phút là có thể giải xong một bài toán, còn tôi mò vài giờ để hoàn thành được câu a. Không thể phủ nhận, tôi nghĩ mình là một đứa rất cố gắng và cầu tiến, trong một vài hoàn cảnh, tôi ít khi có định bỏ cuộc. Khi sống sót qua nhiều kì thi, dù điểm không cao nhưng tôi vẫn nghĩ đó là kì tích, làm thế quái nào mà tôi lại được lên lớp và các anh em vẫn nhiệt tình chỉ bài tôi trong giờ kiểm tra.

    CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 4“Làm thế quái nào mà mình vẫn được lên lớp đều đều?”, nhiều năm trời tôi đã luôn tự hỏi bản thân về điều đó!

Tôi trải qua từng giai đoạn của chuyện học tập như chinh phục từng ngưỡng cao dần của một đỉnh núi. Sự ngu dốt khiến con người ta phải hạ một chút tự trọng của bản thân xuống hết mức có thể để tồn tại, ít nhất là qua học kỳ này. Những năm tháng đi học, tôi vẫn luôn ấu trĩ mà nghĩ như thế. Mặt dày là thứ còn sót lại duy nhất trong tôi lúc đó, đây không phải là lời bao biện thảo mai về lỗi lầm của một con bé 12-13 tuổi, mà là sự đối diện thành thật, là cách khiến tôi tự cảm thấy nhẹ lòng khi trót vấp ngã. Tôi nhận thức được rất rõ việc bản thân trông tệ hại đến mức nào khi cứ phải liên tục quay sang trái, quay sang phải, chồm người lên phía trước hay ngoái người lại đằng sau để hỏi bài bạn trong giờ kiểm tra. Những đứa khác, và kể cả đứa cho tôi copy bài thường nhìn tôi với ánh mắt khoan dung, hơn là khinh bỉ, bởi vì ngốc nghếch đến như tôi, cũng không chịu bỏ cuộc, thà chép bài bạn còn hơn để giấy trắng. Người lớn nhìn vào sẽ xem thường tư cách của tôi, còn tôi thì chỉ nghĩ đơn giản là mọi người cởi mở giơ bài, mình không biết làm thì ngại ngùng gì mà không nhìn. Điều đặc biệt khiến các bạn cảm thấy an tâm hơn về tôi là dù có chép bài bạn, thì điểm tôi cũng chỉ lẹt đẹt ở mức trên trung bình, đủ để không bị ăn mắng của giáo viên hay ăn gậy của cô chủ nhiệm. Tư duy này đã đằng đẵng theo tôi suốt những năm trung học cơ sở, trường công, đặt yếu tố tự giác lên hàng đầu nên tôi sống dễ dưới cái mác của học sinh giỏi Văn, danh hiệu tiên tiến và vài ba cái hoạt động sinh hoạt trồng cây, múa hát mua vui cho trường. Nhưng cuộc đời mà, làm chuyện sai trái hoài rồi thành quen, quen rôì làm sao mà bỏ, mà không thể bỏ thì cả đời mình phụ thuộc, tầm gửi vào nó. Dựa núi, núi sẽ đổ, đôi chân tôi chẳng thể đứng vững độc lập, lấy đâu ra chất xám khi mình chẳng có, thậm chí còn chưa mường tượng được thế nào về nó.

4/ Thì ra ông trời đã luôn bù đắp cho tôi! 

Nếu tôi than thở mãi về xuất phát điểm của mình, chắc bài viết này chẳng còn chút giá trị gì nữa. Thật ra, ông trời lấy của tôi sự thông minh, gần như là tất tần tật những khía cạnh thuộc về hai từ này nhưng lại ban cho tôi một thứ duy nhất, khiến tôi có thể sống và trở nên khác biệt nhờ nó: tôi cực kì nhạy cảm với tất cả mọi điều, đặc biệt là với ngôn từ và con người. Có thể sự thể hiện ra bên ngoài không thực sự nổi bật ngay từ phút đầu tiên, đối với những bài kiểm tra đầu tiên hay vài người đầu tiên tiếp xúc, nhưng tôi cảm nhận rất rõ từng chút tiến triển xảy ra bên trong mình. Bạn hãy tưởng tượng đến một hạt mầm bé xíu, vùi mình trong lớp đất khô cằn, nhưng vẫn không ngừng cố gắng cựa quậy, vùng vẫy để nảy mầm, đầm chồi và vươn lên. Sự nhạy cảm của tôi giống như vậy đó, tôi mang xúc cảm vào một bài nghị luận xã hội, nhận định về lịch sử hay phản biện về đề tài bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên bằng tiếng Anh. Tôi tận dụng mọi cơ hội để khai thác chút vốn liếng của bản thân ở vài nơi hợp lý, lời dẫn giải từ phép chứng minh hình học, phân tích đôi ba hiện tượng vật lý hay câu tựa cho bài giải tính số mol dư trong hóa học.

CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 5
Thật lạ khi người ta cứ dốc sức đào tạo ra những siêu nhân làm được tất cả mọi việc nhưng lại kì vọng ở xã hội những nhân tố xuất chúng, có giá trị và tạo ra được nhiều đổi thay ở một số lĩnh vực cụ thể.

Tôi thừa biết, đa số chuyện tôi làm, về mặt thực tế hiện hữu, đều là vô ích, nhưng trái tim lại mách bảo tôi nên làm, vì nó gián tiếp tạo ra thiện cảm đối với những người nhận, người xem. Tôi đạt thủ khoa học giỏi môn Văn cấp thành phố trong khi vừa ăn 2,5 điểm môn Toán cuối học kì, nhiều người bảo tôi học lệch tới mức đáng sợ. Trường hợp của tôi đặc biệt tới mức báo động, bởi ai ai cũng đều áp đặt quan điểm, một đứa không biết áp dụng định lý Pytago thì cũng không bao giờ có thể viết ra một bài lý luận văn học mãn nhãn thuyết phục giới chuyên môn hay đánh động người đọc bởi bức thư của một chú chó nhỏ bị lạc viết cho cô chủ. Ở thời điểm đó, trong một nền giáo dục, cá buộc phải biết leo cây và leo thật giỏi đã trở thành hiển nhiên. Rất khó để người ta mỉm cười vỗ tay công nhận khả năng bơi lội giỏi của một con cá ở dưới nước, việc tôi đậu điểm cao nhất trong kì thi của những người giỏi nhất ở lĩnh vực đó không có gì đáng tự hào bằng việc tôi cần phải giỏi đều các môn, ở các lĩnh vực. Tôi đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình vào năm 21 tuổi, một trong những địa hạt khó nhằn nhất mà tôi chọn là đề tài về tâm lý xã hội, nó làm hao tổn tâm sức tôi nhưng nó cũng là thành quả khiến tôi tự hào về mình. Thật lạ khi người ta cứ dốc sức đào tạo ra những siêu nhân làm được tất cả mọi thứ nhưng lại kì vọng ở xã hội những nhân tố xuất chúng, có giá trị và tạo ra được nhiều đổi thay ở một số lĩnh vực cụ thể. Tại sao???

5/ Lại một lần nữa, tôi đã thỏa hiệp trong vòng ôm và kì vọng của cha mẹ:

Cấp 3, cũng với ước nguyện tôi phải đậu Đại học lên đến đỉnh điểm, ba mẹ tôi quyết chí đưa tôi lên học tại một trường nội trú trên Sài Gòn. Tôi bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, tự lập về mọi chuyện, đặc biệt là trong học tập. Chưa bao giờ tôi thấy mình chua chát và đáng hổ thẹn như cám cảnh không thể cân bằng nổi một phương trình hóa học. Tôi hoang mang tột độ, tôi không thể nhìn bài bạn, chẳng ai có thể giúp đỡ tôi theo kiểu đó, khi đi bằng đôi chân của chính mình, tôi mới biết hóa ra mình lại tệ hại đến tột cùng. Sự tự ti trong một môi trường mà mọi người đều học tốt các môn tự nhiên, tôi khác mọi người nhiều quá, hình như tôi không thuộc về nơi này. Suy nghĩ đó ám ảnh tôi rất lâu, đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thắc mắc về sự khác biệt của chính mình. Cách tôi nhìn mọi sự việc đều rất khác các bạn nhưng tôi không dám bộc lộ. Tôi hiểu người ta vẫn có xu hướng ghét ai đó khác mình, những người giống nhau sẽ chơi chung với nhau. Tuy vẻ ngoài của tôi tỏ ra rất mạnh mẽ, tự tin, kiểu như nhìn vào có thể cân cả thế giới nhưng tận sâu trong lòng mình, tôi thừa biết mình yếu ớt và dễ tổn thương đến nhường nào. Từ bé đến lớn, dù trước mặt hay sau lưng, những cụm từ như “ngu như bò”, “dốt đặc”, “đầu đất”, “não heo” hay “đần độn”, “chậm tiêu”, người ta vẫn rất dễ dàng gán cho tôi.

    CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 6Tôi hiểu người ta vẫn có xu hướng ghét ai đó khác mình, những người giống nhau sẽ chơi chung với nhau. Tôi ở ngoài vòng tròn đó, tất cả mọi người xem tôi là dị biệt!

Nếu cứ mãi tổn thương hay chăm chăm về những gì người đời nghĩ hay gọi về tôi, chắc tôi đã tự sát từ lâu rồi. Ở thời điểm đó, nếu không có ba mẹ và cô bạn thân duy nhất bên cạnh động viên, an ủi, có khi lúc ấy, ở nội trú nữ sẽ phát hiện ra một cái xác còm cõi uống nước tẩy con vịt mà nằm co rúm lại trong tolet chờ được chết, thật nhanh thật gọn. Tôi đã từng nghĩ nếu tôi chết đi, những đứa miệt thị tôi chắc sẽ ân hận khủng khiếp, hoặc là tôi sẽ ám ảnh chúng nó cả đời. Bạn biết không? Đến một lúc nào đó, cuộc đời sẽ dẫn bạn đến một nơi mà ở đó có rất nhiều cánh cửa để bạn lựa chọn, ở tích tắc trong vài khoảnh khắc, số phận của bạn có thể sẽ thay đổi. Tôi đã từng ghét mẹ vì cho tôi lên đây, rồi chịu cảnh sống khổ sở trong sự dèm pha, nhìn ngó của người khác, tại sao tôi lại bị đày đọa đến mức này. Nhưng chỉ một khắc ngay sau đó, tôi bừng tỉnhhhh, tôi biết mình phải bước vào cánh cửa nào rồi…

6/ Những đổi thay đầu tiên thực sự rất gian khổ:

Tôi chịu nhục rất giỏi nhưng tôi không phải là đứa quen với việc để người ta khinh thường mình mãi mãi. Ý chí phục thù trong tôi rất lớn, tất nhiên là ở hướng tích cực, bạn có thể thấy tôi ngã rất thảm hại, nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy cảnh tôi đầu hàng hay bỏ cuộc. Nếu tôi không có thực lực, tôi sẽ chỉ đứng ở phía sau. Một cô bé ngốc nghếch, đáng thương, cần được che chở, không phải là hình ảnh mà tôi muốn hướng đến trong tương lai, ngoại trừ với người đàn ông tôi yêu. Từ học kì 2 năm lớp 11, tôi lao vào học một cách quyết liệt, bạn học một, tôi học mười, cô giảng lời đầu, bạn đã hiểu, tôi không hiểu, tôi ở lại lớp ngồi xem lại bài giờ ra chơi, cắm cúi vào lúc mọi người nghỉ trưa và rọi đèn pin nghiền ngẫm bài cũ dưới lớp chăn mỏng. Bạn sẽ nói tôi học kiểu đó không khoa học, không tư duy, nhưng tôi không còn con đường nào khác ngoài việc tăng thêm thời gian luyện tập cho bản thân. Có một anh lớp trên, học C đầu ( tức là lớp giỏi nhất khối), tôi rất quý mến anh, ngưỡng mộ anh, anh học giỏi xuất chúng nhưng không hề khoa trương. Cuối tuần, anh ở lại cùng học với tôi, kèm cho tôi hầu hết các môn, kiên nhẫn giải thích cặn kẽ từng bài tập để tôi thực sự hiểu thay vì giấu dốt, gật gật qua loa. Rồi từ ba điểm lên ba rưỡi, rồi năm, rồi sáu, rồi bảy điểm, hạnh phúc nhất là đạt được con 7 môn Hóa đầu tiên từ lúc lên cấp 3, bằng chính công sức của mình. Lần đầu tiên, tôi thấy tự hào về bản thân. Mỗi ngày nỗ lực một chút, tôi không còn thấy sợ việc học, từ từ, tôi học cách đối diện với ngọn lửa đang âm ỉ tàn phá mình thay vì trốn tránh nó. Điểm thi môn Văn của tôi vẫn là tâm điểm để mọi người bàn tán, tôi không bao giờ chép lại văn mẫu thầy cô từng đọc rồi bắt ghi ro ro trên lớp, chỉ việc học thuộc lòng rồi chép lại y chang, một chữ cũng không. Thực lòng, tôi không cam tâm với thứ duy nhất ông trời ban cho mình tỏa sáng thì mình lại chọn cách hành động như đa số nhiều người khác, thế đâu khác nào tự mình giẫm lên chân mình.

CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 7
Tôi vẫn rất thích nhìn hình ảnh chú rùa già chậm chạp nhưng vẫn cần mẫn bò từng bước nhỏ xíu để đến gần hơn với mục tiêu của mình.

Tôi chưa bao giờ nghĩ văn chương sẽ là sự nghiệp mà tôi gắn bó cả đời, nhưng nó là bản sắc của tôi, bằng mọi giá, tôi vẫn phải giữ gìn và phát huy nó, dù theo cách này hay cách khác. Hành trình để vượt qua chính mình với tôi thật sự rất gian nan, nhưng cũng rất thăng hoa, tôi thấy mình may mắn vì sớm được trải nghiệm cảm giác bị đẩy xuống vực rồi gồng sức từ từ bò lên. Tôi vẫn rất thích nhìn hình ảnh chú rùa già chậm chạp nhưng vẫn cần mẫn bò từng bước nhỏ xíu để đến gần hơn với mục tiêu của mình, dù có xa xôi cách mấy, dù cho đối thủ bên cạnh có là chú thỏ thông minh, nhanh nhẹn chạy ào ào với tốc độ bàn thờ đi chăng nữa. Nhiều năm sống trên đời, tôi mới thấm được cảm giác tận hưởng niềm vui trong gian khổ, thực ra rất đáng quý.

7/ Cá phải trở về với nước thôi!

Phải nói tôi là một trong những thành phần khiến bạn bè đồng trang lứa ganh tỵ nhất, dù tôi có đầu đất hay ngốc nghếch tới mức nào đi chăng nữa. Ba mẹ luôn yêu thương và vào trường mỗi ngày với tôi, trong giai đoạn ôn thi đại học, tôi không phải chiến đấu một mình, hậu phương của tôi rất vững vàng. Thầy cô ưu ái cho tôi, khác với đa số các bạn, tôi lại nhận được rất nhiều thiện cảm và sự yêu quý của nhiều thầy cô trong trường, kể cả với những giáo viên không trực tiếp dạy tôi. Thầy giáo dạy Vật lý đã từng nói với tôi: “Điểm cuối kì vừa rồi của em rất tệ, nhưng tôi sẽ không đánh em, tôi biết em sẽ tỏa sáng theo cách riêng của em, và tôi tin em, cho nên đừng khiến tôi phải thất vọng về trực giác của chính mình”. Luôn được đối xử đặc biệt là cách mà bạn bè nhìn về tôi, ba mẹ tôi đã làm việc vất vả để tôi có được sự công bằng hết mức có thể, tôi được kèm riêng 1:1 với một trong những thầy cô giỏi nhất trong trường.

CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 8
Tôi không giỏi nhiều thứ để có thể lựa chọn, cá thì phải về với nước, và tôi nghĩ đã đến lúc mình cần phải tìm lại khả năng bơi lội, thay vì cứ cắm đầu leo cây để cố khớp vào những cái khuôn của xã hội.

Cuối cùng, tôi đậu hai trường Đại học với số điểm vượt mức mong đợi, sau đó tôi chọn học một trường đại học công lập đào tạo về khoa học xã hội tốt nhất ở thời điểm đó, tôi chọn ngành Văn học, đúng với bản sắc tôi thuộc về. Có thể tôi sẽ không theo đuổi con đường văn chương như sứ mệnh vốn dĩ mà nhiều người vẫn thường dành cả cuộc đời cho nó. Nhưng bạn biết không, nó là một phần máu thịt làm nên tôi của quá khứ, của ngày hôm nay, và của tương lai nữa. Việc học Đại học của tôi thực sự rất nhàn hạ, nếu không muốn nói là thảnh thơi hơn ngưỡng tôi từng tưởng tượng, tôi nhận ra được học, được làm những điều thuộc về sở trường của mình đích thị là một loại hạnh phúc có thật. Trong bất cứ một lĩnh vực bất kì, bạn cần đủ giỏi để trở nên xuất chúng, bạn không thể cứ mãi bắt đầu lại từ vạch xuất phát hay nhảy từ cái này sang cái khác.Thật ra cũng tốt thôi, nếu bạn cảm thấy hạnh phúc và cần được hiểu chính mình. Còn tôi thì ngược lại, tôi không giỏi nhiều thứ để có thể lựa chọn, cá thì phải về với nước, và tôi nghĩ đã đến lúc mình cần phải luyện lại khả năng bơi lội thật tốt, thay vì cứ cắm đầu leo cây như lúc trước…

8/ Định mệnh đưa tôi đến với công việc truyền thông:

Tại sao tôi lại nhắc đến công việc của mình trong một bài viết liên quan đến chủ đề học tập? Bạn biết không? Nghề nghiệp cũng là một thứ buộc phải học, và nó còn quan trọng hơn cả việc học chương trình chuẩn trên trường lớp chính quy. Hai cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc từ khi mới vào Đại học là: What I Wish I Knew When I Was 20The Story of Success, nó gần như thay đổi hoàn toàn khái niệm học tập của tôi từ trước đến giờ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu những cuốn sách của mình đến như thế. Mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn với tôi rất nhiều khi tư duy được đả thông. Tôi bắt đầu tập trung vào những kỹ năng nghiệp vụ và việc tìm hiểu chính bản thân mình thay vì gồng sức đua theo chương trình học trên giảng đường. Bây giờ, việc học đối với tôi gần như chỉ là công cụ, nếu học sâu hơn một cách chủ động và có định hướng, tôi sẽ còn có thể hiểu được thêm về bản thân, về cách vận hành của thế giới này. Hồi 15 tuổi, tôi đã từng là cộng tác viên cho một trang báo mạng nho nhỏ ở địa phương, nghề dạy nghề là câu cửa miệng mà tôi thấy đúng với mình ở hoàn cảnh đó nhất, tôi nghĩ mình sẽ thích hợp với loại công việc liên quan đến tạo ra nội dung hay quản lý vận hành một cái gì đó tích hợp với công nghệ. Đại loại là vậy. Rồi tôi bước vào nghề ở năm 18 tuổi, và gắn bó đến bây giờ. Mọi thứ tôi có ở thời điểm hiện tại đều từ học hỏi mà ra, tôi học từ người khác khá nhiều và học từ những vấp váp, sai lầm, thử nghiệm của bản thân.

CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 9
Chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu những cuốn sách của mình đến như thế. Mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn với tôi rất nhiều khi tư duy được đả thông. Tôi bắt đầu tập trung vào những kỹ năng nghiệp vụ và việc tìm hiểu chính bản thân mình thay vì gồng sức đua theo chương trình học trên giảng đường.

9/ Tôi muốn đi du học…nhưng không bỏ Đại học ở Việt Nam… 

Tôi bắt đầu cảm thấy bất an khi cứ ngồi mãi trên ghế giảng đường, ngay từ năm 2 Đại học, tôi đã linh cảm đây không hoàn toàn là con đường mình sẽ đi trong tương lai. Phải! Tôi từng đấu tranh rất nhiều cho việc nên đi hay ở lại, nên tạm dừng hay vẫn tiếp tục. Có rất nhiều người anh/ chị/ bạn mà mình đã gặp sau này khi học được 1-2 năm đầu đại học ở Việt Nam thì bỏ ngang để đi du học nước ngoài hoặc bắt đầu sự nghiệp riêng, kiếm tiền, chuyển ngành, và đến giờ họ rất thành công. Mặc dù cũng rất muốn được đi du học, tôi vẫn không thể bỏ học ở Việt Nam giữa chừng. Bởi vì hành trình đưa mình đến cổng trường đại học thực sự rất vất vả, tôi muốn đi đến hết con đường để bù đắp lại công sức mình đã bỏ ra. Nếu việc học và thi đại học của tôi dễ dàng hơn hay nếu tôi chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho việc thi đại học như các bạn khác, có lẽ tôi sẽ dễ buông bỏ hơn. Nhưng tôi tin việc ở lại Việt Nam học hết đại học rồi tìm cơ hội sang nước ngoài học cao học sẽ dạy cho mình rất nhiều điều, trong đó là sự trân trọng những gì mình đã đạt được, không xem bất kỳ điều gì là hiển nhiên, là tự nhiên mà có được cả. Mọi thứ đều đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, máu, và nước mắt – những thứ quý giá nhất trên đời.

CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 10
Mọi thứ đều đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, máu, và nước mắt – những thứ quý giá nhất trên đời. Giờ tôi đã tốt nghiệp, mọi thứ diễn tiến nhanh như một giấc mơ và tôi đã biết mình nên làm gì tiếp theo rồi !

Tôi biết việc xin học bổng thạc sĩ ở một đất nước châu Âu đắt đỏ không hề dễ dàng, tôi hiểu với điều kiện tài chính của gia đình, tôi có thể đi ngay mà không cần phải suy nghĩ. Nhưng tôi quyết định chọn một con đường gian khó để đi đến mục tiêu tiếp theo của bản thân. Vì tôi hiểu được giá trị của sự đánh đổi, nó sẽ khiến tôi không thể dễ dàng khước từ đi cơ hội và thành quả mà mình đã bỏ công sức ra để đạt được. Ở tuổi 22, chuyện học đối với tôi là những chuyến phiêu lưu đầy cảm hứng và là việc cả đời này nên làm, mỗi ngày, mỗi giờ. Bây giờ, khi đã luyện cho mình khả năng tự học, tôi có thể học bất cứ thứ gì tôi thích, nó không còn là gánh nặng, hay nỗi khổ sở như trước kia nữa, nó đã trở thành một phần cuộc đời của tôi. Và tôi yêu việc học…như sinh mệnh của đời mình, vì tôi biết chỉ có học mới là con đường hoàn hảo để trở thành người tử tế theo cách trọn vẹn nhất.

    CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie 11Cuộc đời sẽ không bao giờ đặt bất cứ thứ gì bạn không thể giải quyết trên chuyến hành trình của mình, vì vậy hãy dũng cảm đối diện và toàn lực vượt qua nó.

Sau tất cả, tôi vẫn luôn tin vào điều kì diệu là có thật, và sự cố gắng xuất phát từ chính chân tâm không bao giờ là vô ích. Tôi đã đi một đoạn đường rất vất vả để có thể được sống với mong muốn của bản thân, tôi không biết điều gì đang chờ đợi tôi ở phía trước. Có lẽ tôi sẽ vẫn kiên nhẫn chờ đợi những tia nắng mai ấm áp hay bao trận mưa giông liên tiếp ùa về. Cuộc đời sẽ không bao giờ đặt bất cứ thứ gì bạn không thể giải quyết trên chuyến hành trình của bạn, vì vậy hãy dũng cảm đối diện và toàn lực vượt qua nó. Tin tôi đi! Bạn tuyệt vời hơn bạn tưởng, rất nhiều.

Bài viết về cuộc hành trình rèn luyện khả năng tự học sẽ được cập nhật trên blog vào tuần sau nhé!

Chúc bạn may mắn!

From Dreamiie with love

2 thoughts on “CHUYỆN HỌC HÀNH CỦA TÔI l Dreamie

  1. Khánh Linh says:

    Chị ơi cho em hỏi cấp 3 chị có học trường Nguyễn Khuyến không ạ? Em rất thích bài viết của chị vì với góc độ này nó rất chân thật và gần như phảng phất bản thân em ở những năm cấp 3 vậy.

  2. Ngân Chem says:

    Chị à. Em thấy quẩn quanh, bối rối với những quyết định của mình. Em chạy trốn và lang thang rồi tình cờ đọc được bài viết của chị. Những dòng suy nghĩ nảy ra liên tục khi em đọc những dòng tâm sự của chị. Em cũng như chị, em nhận ra mình không thông minh. Bước vào ngôi trường ĐH BK, em hoảng loạn khi nhận ra mình không có khả năng tự học, nhưng cái định nghĩa tự học nó mơ hồ lắm chị ạ. Quá trình tự học cũng không phải là tự mình học được tất cả mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố giúp mình tự học. Em mới có điểm cuối kì, em thật sự thất vọng vì điểm số, bởi lẽ điểm số của em chỉ ở mức bình thường và có nhiều bạn chăm chỉ cũng có mức điểm như em. Dù có cố gắng đến đâu em cũng không thể làm một ngôi sao như cách em mong muốn. Em rất ngưỡng mộ chị vì chị có văn chương, tình yêu văn chương. Em đang học BK, mọi người nhìn có thể thấy em rất bình thương. Em tham gia CLB, nỗ lực học tập, nhưng sâu thẳm bên trong em vẫn chưa vui, chưa hài lòng về những gì mình đang có. Em ước mình có thể sống trọn vẹn, vui vẻ nhưng càng ngày em càng lo lắng, mỗi buổi sáng thức dậy em hoài nghi về bản thân có thể làm được gì, em sợ kết thúc một ngày… Em cảm ơn chị đã đọc cmt của em.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *