Thực lòng, đến tận giờ phút này, tôi vẫn chưa yêu ai, một tình yêu thực sự có thể gọi được tên, định được danh. Tôi nghĩ tình yêu vốn là thứ không tồn tại quá nhiều ngoài kia, đại trà, phổ biến, dễ tìm như chúng ta vẫn thường nghĩ, đôi khi nó là tường thành do hai người trong cuộc xây đắp lên, nhưng cũng có khi nó là hiện thân của vô vàn bài học, trải nghiệm, hỉ nố ái ố mà con người ta phải đi qua một đoạn đủ dài, đủ sâu mới có thể hiểu thấu hết được. Tình yêu vốn là thứ rất dễ ngộ nhận và lầm tưởng, có người, đi đến hết cuộc đời, vẫn không thể hiểu nổi cảm giác yêu thực sự là như thế nào. Người ta nói nhiều về cách chinh phục, làm sao để cưa cẩm, quyến rũ, làm giá, gây ấn tượng, tạo sức hút hay thao túng, làm cho đối phương say mê mình chứ mấy ai quan tâm đến việc làm thế nào để hiểu được đối phương, để thấu cảm, bao dung và khiến cho người mình yêu được tự do, được sống là chính họ, dù đang ở trong một mối quan hệ? Đôi khi, ta cần học cách hiểu được tình yêu là gì, mục tiêu hay mong muốn ta cần ở một mối quan hệ ra sao trước khi để mình rơi vào một cuộc phiêu lưu tình ái với ai đó. Nghe như một dạng lý thuyết suông xáo rỗng và mơ hồ, làm sao ta có đủ khả năng để hiểu về tình yêu là gì trong khi ta chưa từng bỏ tâm sức hay nỗ lực để yêu lấy một ai? Trong khi ta chưa từng một lần đớn đau vì tình? Không! Ái tình không nên và không cần thiết là một trò tiêu khiển mà ta cứ thế mặc sức nhảy bổ vào, hăng say tận hưởng no nê rồi rời đi không vết tích, không, đó không phải là tình yêu, chưa bao giờ là tình yêu, nó chính là tội ác tàn nhẫn nhất, với chính mình và với cả người mình yêu.

Có người yêu từ rất sớm, có người tình yêu lại đến với họ rất muộn. Một người yêu nhiều không có nghĩa là trưởng thành và kinh nghiệm dày dặn hơn. Trải nghiệm trong ái tình của mỗi người mỗi khác, không ai giống ai, và không ai có quyền hạn hay đủ năng lực để bảo ban ai cần phải làm gì, cư xử như thế nào trong chuyện tình cảm. Với phạm trù ái tình, mọi lời khuyên đều trở nên rỗng tuếch, hỗn độn, vớ vẩn, vô nghĩa. Bài viết này chỉ là một góc nhìn nhỏ mang tính cá nhân, dành cho những người đồng điệu với quan điểm của tôi, tôi hiểu, không nhiều người tán thành, nhưng không sao, cái tôi cần là đóng góp và trải lòng trên blog của mình, chưa từng và không bao giờ muốn giáo điều, đôi co, phán xét bất cứ một ai. Tôi tôn trọng bạn, dù góc nhìn của chúng ta có khác nhau, và tôi biết ơn bạn, nếu bạn tôn trọng quan điểm của tôi. Vì ngay đến cả tôi, cũng đang trên cuộc hành trình hiểu về tình yêu thì lấy tư cách gì để làm như thế. Không! Chúng ta cùng xây dựng, trao đổi và đào sâu thêm. Nó là một địa hạt với bất tân những điều thú vị cần khám phá, tại sao lại phải bó hẹp hay tự giới hạn chúng lại chứ?

- Nếu chưa trưởng thành, ta vĩnh viễn chẳng thể hiểu nổi tình yêu là gì?
Có một đoạn trích mà mình rất tâm đắc trong cuốn sách “Luận về yêu” của tác giả Allan De Botton viết rằng :” Bởi vậy với tình yêu trưởng thành chúng ta không bao giờ nên sa ngã từ cái nhìn đầu tiên, chúng ta nên kìm lòng cho đến khi nhìn thấu được lòng sâu và bản chất con nước. Chỉ sau khi đã có cuộc hội kiến thấu đáo về chuyện con cái, chính trị, nghệ thuật, khoa học và món ăn nhẹ thích hợp ở trong bếp, cả hai mới nên đi đến quyết định rằng họ đã sẵn sàng để yêu nhau hay chưa. Trong tình yêu trưởng thành, chỉ khi nào chúng ta thực sự biết rõ người kia thì tình yêu mới xứng đáng có được cơ hội thăng hoa và phát nở. Song song đó, trong hiện thực ngang ngược của tình yêu, tình yêu sinh ra chính xác chúng ta kịp biết, việc trau dồi hiểu biết có thể là chướng ngại cũng như niềm khích lệ vì nó có thể đưa thế giới không tưởng vào mối quan hệ xung đột, đầy nguy hiểm với hiện thực“. Ở một ngưỡng trưởng thành nào đó, ta mới có thể dần dần định hình được khái niệm tình yêu đối với bản thân mình, thực chất là gì, nó không thể áp vào khuôn mẫu cho tất cả. Do quá trình lớn lên, được nuôi dạy, giáo dục của mỗi người khi còn là những đứa trẻ là hoàn toàn khác nhau, bản thân mỗi cá thể phải tự lực trải qua quá trình đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, có người phải trải qua đổ vỡ hôn nhân, có người thì băng mình qua dăm ba cuộc tình chóng vánh, cũng có người lần lữa ở lại trong một mối quan hệ hàng năm trời ròng rã, lại có người tan hợp, hợp tan với đối phương đến cả trăm lần, rồi có người biết trước ái tình là gốc rễ của khổ đau nên khép cửa trái tim đến hết kiếp.
Nhưng tựu chung một điều, hành trình để mỗi linh hồn cảm thấu giá trị thực sự của tình yêu chưa bao giờ là dễ dàng. Càng trưởng thành, ta càng nhận ra, chuyện tình cảm, là thứ vốn không thể cưỡng cầu, càng không thể cố chấp kiểm soát. Đôi khi chẳng phải mình không đủ tốt, hay mình không xứng đáng mà đơn giản là họ không yêu mình, mình và họ vốn dĩ, ngay từ đầu, đã không dành cho nhau. Mình cố chấp giữ lấy, đôi khi không phải vì mình yêu họ nhiều đến như vậy, mà giống như trạng thái của một đứa trẻ sở hữu món đồ chơi tốt, dù không trân trọng, không thực sự thích thú lắm nhưng hễ có ai đụng vào hay mất đi là y như rằng sẽ lăn đùng té ngửa, giãy đành đạch ăn vạ đòi lại cho bằng được. Nếu chưa trưởng thành, mà vội vã bước vào tình yêu, chỉ e rằng họa nhiều hơn may.

2. Càng cố khóa chặt, càng dễ vụt tan
Có một câu chuyện của lồng chim và con chim nhỏ chắc chắn sẽ khiến bao người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu phải giật mình suy ngẫm:
Một cái lồng chim và một con chim nhỏ yêu nhau. Lồng nói với chim nhỏ:
“Anh chỉ là một chiếc lồng, một chiếc lồng dùng để… nhốt chim!”
Chim nhỏ nói:
“Em biết điều đó!”.
Im lặng một lát rồi chim nhỏ chợt hỏi:
“Anh sẽ nhốt em sao?”
“Không đời nào! Nhưng mà… anh lại hy vọng em… vĩnh viễn ở bên cạnh anh… vĩnh viễn không rời xa anh nhé!” – Chiếc lồng khổ sở đáp.
Chim nhỏ mỉm cười nói:
“Em sẽ không rời xa anh, vì đối với em, anh giống như một ngôi nhà ấm áp chứ không phải một chiếc lồng lạnh lẽo!”.
Niềm hạnh phúc không thốt lên lời ngập tràn trong tim chiếc lồng. Thế là chiếc lồng và chim nhỏ vui vẻ chung sống bên cạnh nhau. Sáng sớm thức dậy, chim nhỏ sẽ bay đi tìm kiếm thức ăn, tự do tung cánh trên bầu trời xanh. Chiều đến, nó lại ngân nga những giai điệu du dương để điểm xuyết cho buổi hoàng hôn. Đêm về, chim nhỏ tựa vào cạnh lồng và ngủ một giấc ngọt ngào dưới ánh trăng dìu dịu.
Nhưng rồi một ngày kia, người chủ phát hiện ra chim nhỏ đang ngủ trong lồng. Ông ta liền tiến đến gần và chốt cửa lồng lại.
Chiếc lồng thầm nghĩ: “Như vậy cũng tốt. Chim nhỏ sẽ ở bên nó mãi mãi… Nhưng mà… chim sẽ mất đi tự do! Mất tự do rồi thì tình yêu còn có thể tồn tại sao? Không thể nào!”. Chiếc lồng say sưa ngắm nhìn chim nhỏ đang ngủ trong lòng. Nó ngậm nước mắt nói:
“Tạm biệt nhé! Tình yêu của anh! Hi vọng kiếp sau chúng ta có thể gặp lại!”. Nói rồi nó chợt nứt vỡ và nhẹ nhàng rơi xuống thả tự do cho chim nhỏ…
Tình yêu và sự tự do không hề đối lập với nhau. Chúng có thể kết hợp lại cùng nhau một cách hoàn mỹ. Tuy nhiên, nếu một ngày mất đi sự tự do, sợ rằng tình yêu cũng không còn tồn tại nữa! Nếu bạn không thể được là chính mình, tự do trong những sở thích, niềm vui, lựa chọn của bản thân khi ở trong một mối quan hệ với ai đó và ngược lại, đối phương luôn cảm thấy ngột ngạt, ức chế, mất đi nhuệ khí, lý tưởng, nhiệt huyết sống khi ở bên cạnh bạn, thì đó không phải tình yêu.

3. Những hạt mầm tạo nên một tình yêu đích thực
Thầy Thích Nhất Hạnh từng nói: Yêu lãng mạn (romantic love) hay không không quan trọng, quan trọng là đầy có phải tình yêu đích thực hay không.
‘True love’ bao gồm 4 yếu tố, mình xin phép được trích dẫn dưới đây.
– Đầu tiên là ‘loving’ và ‘kindness’ (yêu thương và lòng tốt), nghĩa là khả năng trao đi hạnh phúc của con người. Nếu bạn không có khả năng khiến người mình yêu hạnh phúc, đó không phải tình yêu đích thực.
– Yếu tố thứ hai là ‘compassion’ (lòng trắc ẩn), là khả năng loại bỏ nỗi đau và chuyển hóa nỗi đau bên trong mình và trong người mình yêu. Nếu người bạn yêu đau khổ mà bạn không biết cách khiến họ được hạnh phúc, đó chưa phải ‘true love’.
– Yếu tố thứ 3 là ‘joy’ – niềm vui. Nếu bạn khiến người mình yêu khóc suốt ngày, và vì tình yêu đó mà bạn khóc suốt ngày, ấy không phải ‘true love’.
– Yếu tố thứ tư là ‘inclusiveness’ – sự đồng điệu và quyện hòa. Tức, nỗi đau của anh là nỗi đau của em, niềm đau của em là của anh, niềm vui của em là của anh, niềm vui của anh là của em.

Tức bây giờ, nó không còn tính cá thể nữa mà là sự hòa quyện đầy trọn vẹn. Khi có đủ đầy bốn yếu tố này, đó là tình yêu đích thực.
Đức Phật là bậc thầy về tình yêu. Ngài yêu vạn vật và tình yêu ấy bao trùm lên mọi thứ. Tình yêu vốn dĩ cũng là bản năng của con người, nhưng cách yêu của chúng ta đã muôn trùng thay đổi với những sự sai lệch về quan điểm yêu đương, để rồi từ đó chuốc lấy khổ đau và mất mát. Suốt cuộc đời, chúng ta vẫn thường đi tìm người đồng điệu với mình, có người bỏ cuộc, và chịu lấy những người mà họ biết thừa rằng đấy không đúng là “true love”.
4. Duyên đến, duyên đi không cưỡng cầu
Chúng ta luôn chấp niệm rằng nếu ai đó yêu mình, mình yêu họ thì họ buộc phải có trách nhiệm với hạnh phúc, niềm vui lẫn nỗi buồn của mình rồi mình cũng vậy. Hai người yêu nhau có thể đau chung một nỗi đau, buồn cùng một trạng thái nhưng không có nghĩa ta áp lên họ gánh nặng phải hoàn thành sứ mệnh ban ơn, cứu rỗi cuộc đời ta. Thật độc ác với chính mình khi quỵ gối cầu xin ban phát yêu thương, trông đợi phụ thuộc cảm xúc vào người khác. Nếu hai người không thể cùng nhau phát triển, vui vẻ hơn, tốt đẹp lên, trưởng thành thêm thì việc ở cạnh nhau, rốt cuộc, có giá trị gì? Ngoại trừ câu chuyện hôn nhân còn liên đới đến các yếu tố về tôn giáo, tài sản, con cái, gia đình hai bên thì cần phải cân nhắc, nắm buông tiến lùi trước sau, còn những mối duyên đến, duyên đi ngoài kia, có lạ không khi ép một người phải chung thủy trọn đời với mình.

Nếu họ đong đưa với người khác, thiếu nghiêm túc, thiếu quyết liệt, thiếu trung thực không phải vì họ nhát, bản chất trăng hoa hay không đủ dũng khí, mà chỉ bởi vì họ không yêu bạn thôi! Nếu đối phương không yêu mình, thì việc rời đi là cách tốt nhất để bảo vệ lòng tự tôn cuối cùng còn sót lại. Nếu đối phương đùa giỡn, chơi đùa, lừa dối hay phản bối tình cảm của mình thì hãy biến mất khỏi cuộc đời họ vĩnh viễn, đừng bao giờ cho họ có cơ hội gặp lại bạn lần thứ hai. Tiêu chuẩn và giới hạn không nằm ở những yêu cầu, đòi hỏi tương xứng về bề nổi như gia thế, tiền tài, học vấn, những thứ đó vốn dĩ biến thiên theo thời gian và chẳng mấy bền vững, mà nằm ở cách bạn cần được đối xử như thế nào trong một mối quan hệ và sẵn sàng rời đi bất cứ lúc nào, nếu cảm thấy không được tôn trọng. Cho nên, việc chọn đúng người, và học yêu đúng cách ngay từ phút đầu sẽ đốt cháy giai đoạn lê thê, phiền muộn không cần thiết về sau. Nếu hết yêu, xin hãy nói thẳng thẳn, trực diện, để không quên đặt dấu chấm hết minh bạch, tiễn chào nhau một lời tạm biệt cho tử tế, văn minh.

5. Còn rất nhiều kiểu tình yêu khác, vẫn tồn tại ngoài kia
Đối với nhiều người, có lẽ, tình yêu là tất cả. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng với kiểu tình yêu lành mạnh, đích thực, những mối quan hệ tích cực, cộng hưởng và phát triển theo thời gian. Thời điểm trước khi tình yêu đến, ta vẫn sống vui vẻ với cuộc đời của mình, bên cạnh gia đình, học tập, công việc, bạn bè, những sở thích, mục tiêu cá nhân. Rồi ta bắt đầu gặp gỡ, hẹn hò, rơi vào lưới tình, say đắm với một ai đó và dần thỏa hiệp với con người mà trước đây ta từng nghĩ mình sẽ không bao giờ trở thành. Ta tự đánh lừa chính mình rằng ta đang tự mình dâng hiến cho tình yêu, cho đối phương một cách tự nguyện, vô điều kiện. Ta ve vuốt và tôn thờ tình yêu như lẽ sống, có lẽ, đó là con đường ta chọn, là đức tin ta theo đuổi và là cách ta cảm thấy mình sẽ an toàn hơn chăng. Ta tin họ, người sẽ đồng hành cùng ta đến trọn kiếp này, tình yêu là cho đi, tình yêu là không mong cầu hồi đáp. Sau một quãng dài miệt mài đến kiệt quệ vì chạy theo cái có thể đổi dời trong bất cứ khoảnh khắc nào, ta mới bàng hoàng nhận ra tự bao giờ, ta đã hoàn toàn đánh mất chính mình. Rồi ta cuống cuồng hoang mang, dằn vặt mình đã làm gì sai để nhận lấy trái đắng hôm nay, ta không sai, chỉ đơn giản là ta đã không biết tự yêu lấy bản thân đủ nhiều. Ta khước từ mong muốn và những điều làm nên giá trị của chính mình, ta quên đi sự ấm áp của tình thân đã cho ta nương náu suốt tháng năm dài thơ ấu, ta rời xa những tình bạn tuyệt vời trong quá khứ vì nghĩ rằng tình yêu có thể khỏa lấp tất thảy, ta sợ hãi khi phải đứng lên, phải tranh đấu, phải thay đổi, phải chinh phục mục tiêu, giấc mơ của bản thân vì nghĩ rồi sẽ thất bại, rồi sẽ chẳng ra đâu vào đâu, rồi sẽ bận rộn, tất bật, quay cuồng và mất đi sự viên mãn tròn đầy vốn có. Ta yên vị trên chiếc ghế mình may mắn có được. Ta chọn phương án an toàn là đứng ngoài cuộc chơi, nhưng ta đâu biết rằng nơi ta đang đứng, chắc gì đã thảo nguyên xanh mát bằng phẳng một màu?

Hơn tất cả, tình yêu dành cho bản thân vẫn là điều đáng để lưu tâm, chưa một khắc nào tự phí hoài cả, nó không dừng lại ở chuyện thẳng chân bước vào cửa hàng thời trang xa xỉ, quẹt thẻ rẹt rẹt tự thưởng cho mình những bộ cánh xinh đẹp và chất lượng mà còn là việc ta tôn trọng phẩm giá, đức tin bên trong chính mình, ta có thể hạ mình khi ở ngoài xã hội, nhưng đối với người đàn ông ta lựa chọn, họ không có quyền chà đạp, vùi dập, làm tổn thương ta. Việc thiết lập giới hạn, sẵn sàng cho sự ra đi, cho việc cần được đối xử ra sao cũng là một góc cạnh khác của việc yêu lấy chính bản thân.
Hiểu về tình yêu là một hành trình cần rất nhiều sự quán chiếu, kiện tâm và nỗ lực, không bao giờ là muộn nếu như ta cất bước chân lên. Đôi khi, tất cả những gì ta cần làm là lặng lẽ quan sát, bình thản đón nhận, trân trọng, tận hưởng và thôi không mang những kì vọng, những ham muốn chiếm hữu trên vai. Chỉ có hiểu mới có thể yêu thương người bên cạnh đúng cách, chỉ có hiểu mới có thể phân định được đâu là tình yêu đích thực, đâu là những lầm tưởng, ngộ nhận nhân danh tình yêu. Tình yêu thật đẹp, thật diệu kì, và bất cứ ai cũng cần tình yêu !
Chúc bạn may mắn
From Dreamiie with love