DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie

Khoảng hai tuần trở lại đây, nhất là talkshow: “Người trẻ và giấc mơ viết lách” trong chuỗi series “Đầu óc trên mây, đôi bàn tay nhảy múa”, đã có nhiều bạn inbox và gửi email cho Dreamiie hỏi về cách thức làm sao để viết được một cuốn tiểu thuyết về đề tài tâm lý xã hội đòi hỏi nhiều chiều sâu, kiến thức và trải nghiệm đến vậy. Dreamiie đã lấy vốn sống ở đâu, dành bao nhiêu thời giờ mỗi ngày cho việc viết lách và những khó khăn trong suốt quá trình hoàn thiện “đứa con Bước Ngưỡng Vọng” này diễn ra như thế nào? dành-cho-những-ai-muốn-bắt-đầu-viết-tiểu-thuyết-dreamiie-thân-ngọc-hà-duyên

DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie 1Ghi dấu thanh xuân bằng một cuốn sách, tại sao không?

Hôm nay, tranh thủ thời gian sau khi vừa hoàn tất xong thủ tục xét tốt nghiệp tại trường Đại học, Dreamiie quyết định sẽ “vén màn hậu trường” chia sẻ cho những bạn quan tâm về cuộc hành trình hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay của Dreamiie. Hy vọng có thể khơi gợi những ý tưởng hay ho hoặc truyền thêm động lực viết lách cho những bạn ấp ủ viết một tác phẩm trong những năm tháng tuổi trẻ. Dreamiie sẽ rất biết ơn nếu bạn theo dõi bài viết này đến phút cuối cùng.

Ở đây, Dreamiie sẽ không bàn tới con đường xuất bản một tác phẩm ra thị trường. Bởi nó đòi hỏi khá nhiều yếu tố và tùy thuộc vào khả năng thực sự của từng người, mỗi người viết sẽ tận dụng những nguồn lực khác nhau và lựa chọn cách định hướng thương mại hóa tác phẩm của mình theo những cách khác nhau. Với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như mạng xã hội ở thời điểm hiện tại, chúng ta có quá nhiều cơ hội để thể hiện năng lực viết của bản thân và đưa tác phẩm đến rộng rãi công chúng. Hãy nhớ rằng nền tảng hay nguồn lực chỉ là công cụ, điều cốt lõi vẫn là nội dung thứ mà bạn viết ra, nó có hay không, liệu nó có cuốn hút người đọc, có tạo ra giá trị tích cực hay truyền tải thông điệp nào đó cho họ hay không?

DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie 2Chúng ta có quá nhiều cơ hội để thể hiện năng lực viết lách của bản thân và đưa tác phẩm đến rộng rãi công chúng. Hãy liên kết tất cả các tài khoản mạng xã hội của bạn lại càng sớm càng tốt!

Dreamiie sẽ tóm gọn năm điểm sáng cần ghim lại theo như đúng trải nghiệm của mình trong cuộc hành trình hoàn tất cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Bước Ngưỡng Vọng”, cụ thể ở đây là thuộc đề tài tâm lý xã hội. Bạn đều có thể vận dụng kinh nghiệm “xương máu” này cho những thể loại hay đề tài khác một cách linh hoạt. Tất cả đều bắt đầu ở chính mình, nếu mọi thứ đến quá dễ dàng thì quả ngọt sẽ trở nên vô giá trị. Bài này Dreamiie chỉ viết cho những bạn mới bắt đầu hoặc đang có ý định viết sách vì cá nhân Dreamiie cũng là người mới, vừa trải qua giai đoạn khó khăn trong việc xuất bản tác phẩm đầu tay

1. Thiết lập đối tượng mục tiêu và giới hạn cụ thể nội dung, thể loại thông qua câu hỏi “tôi muốn gì?”:

Quan trọng nhất là phải tự đặt câu hỏi mục đích viết sách của bạn gì: để thỏa mãn cái tôi, để giải phóng cảm xúc cho chính mình, để đánh dấu một bước ngoặt tuổi trẻ, để thương mại nhờ các xu hướng xuất bản thịnh hành trên thị trường (theo trend) hay khát khao tạo nên một tác phẩm có giá trị đích thực về mặt hàn lâm, chuyên môn, phục vụ cho nghiên cứu, cho một nhóm đối tượng độc giả khó tính hơn, đại loại vậy… Đối tượng của bạn là ai, họ ở trong khoảng độ tuổi nào, họ thích gì, quan tâm gì, họ khao khát điều gì và khả năng của bạn có thể đáp ứng được gì cho họ, hình dung thật rõ nét nó đi tới đâu và đi như thế nào.

DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie 3Biết mình muốn gì thực sự rất quan trọng. Tất cả sẽ không thể cho đến khi nó được hoàn thành.

Khoanh vùng đối tượng càng chi tiết, càng tốt, đó cũng là phương thức để bạn thiết lập được giới hạn nội dung trong cuốn sách của mình. Đề tài bạn lựa chọn nên là thế mạnh mà bạn có, thể loại bạn theo đuổi nên là thứ tạo được cảm hứng thật sự cho bạn. Đối với khía cạnh cá nhân, chúng ta khó có thể bao quát được hết vòng tròn lớn bằng việc chọn một chủ đề quá rộng, quá to, hãy học cách cô đọng và sàng lọc giữa những gì bạn có với những thứ bạn viết. Trong viết lách hay trong bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống cũng vậy, biết mình muốn gì, nhận thức được mình đang làm gì rất…rất quan trọng, nếu không dù khả năng viết của bạn có tốt đến đâu, ý tưởng của bạn có hay ho, thú vị đến cỡ nào thì suy cho cùng bạn khó có thể đi đến cuối đường.

2.  Bảng thống kê tổng hợp dữ liệu và hệ thống tập trung các ý tưởng:

Nghe có vẻ hơi mang tính khảo sát đúng không? Đúng là thế. Đừng vội bắt tay vào viết ngay, nhất là với thể loại tiểu thuyết, bạn sẽ không biết chuyện quái quỷ gì sẽ xảy ra cho đến khi bạn đi được đến cuối đường. Bạn có thể viết ngay, bắt ngay cảm xúc của mình vào trang giấy với thể loại tản văn, tạp văn, tùy bút, du kí, bla bla… nhưng với tiểu thuyết thì cần lý trí và sự cẩn trọng nhiều hơn. Viết tốt, ý tưởng hay là một chuyện nhưng việc xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo và đường dây cốt truyện logic, thuyết phục mới là yếu tố then chốt quyết định mức độ khả quan tác phẩm của bạn. Rất nhiều người và kể cả bản thân Dreamiie trước đây cũng thế, bị nhầm lẫn giữa khái niệm các ý tưởng với tổng thể nội dung, cắm mặt vào viết mà không có sự tính toán, hệ thống từ đầu là một cách làm “rất rất dở, rất rất ngốc”. Tất nhiên chúng ta cần vấp váp để tìm thấy cái đúng cho mình. Nhưng nếu hiểu được tầm quan trọng của việc định hình trước khi viết, chúng ta sẽ bớt khổ hơn☺

Lập dàn bài…chính xác là cái việc chúng ta đã quá quen thuộc trong suốt những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường. Đến cả một bài nghị luận xã hội gói gọn trong vài trăm chữ vẫn được khuyên là nên lập dàn bài, huống hồ là cả một cuốn tiểu thuyết dày hàng trăm trang giấy. Tất nhiên bạn không cần phải làm theo các bước truyền thống, thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng linh hoạt những cách sáng tạo và thực tiễn hơn. Song song đó, hãy tập hợp những nguồn thông tin phục vụ trong quá trình bạn viết, nếu phân loại, sắp xếp được thì càng tốt, dù nghuệch ngoạc, sơ sài thì cũng cần phải có.

Một điều quan trọng nữa là tuyệt đối hạn chế việc đánh rơi ý tưởng dọc đường, dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào: đi trên đường, lúc ngái ngủ hay khi đang tắm, chỉ cần xuất hiện một ý tưởng hay ho lóe lên cũng nên ghi ngay lập tức vào sổ, mặc dù có thể nó điên rồ hay chẳng ăn nhập gì với nội dung cuốn sách mà bạn đang viết. Tin mình đi, rồi đến lúc bạn sẽ phải cần đến nó, không lợi bề ngang thì cũng bổ bề dọc. Ý tưởng là ngân phiếu, đừng để nó trôi đi…

3. Lựa chọn trải nghiệm, góc nhìn để tiếp cận câu chuyện:

Bạn nên lựa chọn việc mình là ai trong chính câu chuyện do mình sáng tạo, nghe có vẻ hơi mơ hồ nhỉ? Tức là nên lựa chọn một góc nhìn cụ thể để kể trong xuyên suốt tác phẩm. Dreamiie đã vấp phải nỗi mơ hồ khủng khiếp này trong suốt quá trình viết mà không hề nhận ra và hậu quả là phải sửa đi sửa lại bản thảo 87536 lần ở khâu biên tập. Sửa không phải để làm mất đi văn phong hay chất riêng của mình, mà là để tác phẩm thực sự thuyết phục và hoàn mỹ. Trong “Bước Ngưỡng Vọng”, Dreamiie lựa chọn ngôi thứ nhất với cương vị là nhân vật nữ chính thuật lại toàn bộ câu chuyện, tất nhiên bản thân Dreamiie ở ngoài đời cũng sẽ có nét tương đồng với Liễu Anh.

DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie 4Bạn nên lựa chọn việc mình là ai trong chính câu chuyện do mình sáng tạo. Kể cả là một người dẫn chuyện, bạn cũng nên đưa ra một góc nhìn nhất định để bao quát và kiểm soát tổng thế. Nghe khó hiểu nhỉ, mà thôi cố hiểu nha:)

Bạn phải sống cùng nhân vật, bạn phải sở hữu được cảm giác của nhân vật và bạn cần nắm bắt được cách đối diện, giải quyết vấn đề như chính nhân vật. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thời gian để nghiên cứu cho nhân vật của mình, bạn cần sự chiêm nghiệm để hiểu những gì mình viết ra không đơn thuần chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nó còn là xương máu, là thực tiễn, là những điều có giá trị hiện thực lẫn nhân văn. Đã qua rồi cái thời tác giả ngồi trong phòng kín hàng tháng trời để viết bản thảo và mặc kệ thế sự ngoài kia. Nhất là với thể loại tâm lý xã hội mà Dreamiie lựa chọn lại cần nhiều vốn sống, kiến thức và trải nghiệm. Bạn lấy nó ở đâu ra trong khi bạn thực chất không có nó, trải nghiệm không nhất thiết là việc bạn phải trải qua, nó có thể đến từ việc bạn đọc sách, xem phim, nghe ai đó kể lại hoặc diễn tiến từ một dạng trải nghiệm tương tự.

Thứ chính yếu là bạn phải có cảm xúc “trong nó, với nó”, càng mãnh liệt càng tốt, càng rõ nét sẽ càng khả quan. Khi viết phân đoạn miêu tả nội tâm giằng xé giữa hai nhân cách của nam chính là Hùng trong cuốn nhật kí, tâm lý của Dreamiie gần như cũng bị phân thân theo, cảm giác kiểu bị điên loạn cùng, tàn nhẫn cùng, đau đớn cùng với nhân vật vậy.

4. Quản lý thời gian và rà soát trên mỗi chặng đường:

Có vài người bạn của Dreamiie chia sẻ rằng họ cũng có ý định viết và xuất bản một cuốn sách từ rất lâu nhưng họ không có đủ thời gian, năng lượng hay tâm trí để dành cho việc này. Sự thật là nó ngốn khá nhiều thời giờ và công sức hơn Dreamiie tưởng tượng trước khi bắt đầu, nó khiến mình đôi lần muốn bỏ cuộc, muốn buông xuôi. Một ngày có hai mươi tư tiếng đồng hồ, không thừa không thiếu, bản thân Dreamiie vẫn đang là sinh viên đại học, bài tập trên trường nhiều không xuể, cộng thêm công việc chính của Dreamiie là xây dựng chiến lược truyền thông và phát triển thương hiệu cho một số nhãn hàng, tổ chức thành ra một ngày quay như chong chóng từ sáu giờ sáng đến mười giờ đêm cũng là chuyện bình thường. Trước đây, Dreamiie thường thức rất khuya để viết và sáng hôm sau thì không mở nổi mắt để dậy đi học, đến chiều đến công ty đầu óc vẫn quay cuồng điên loạn. Sau này, Dreamiie chuyển qua viết vào sáng sớm và thấy nó khá tốt. Điều quan trọng nhất là bạn cần nghiêm khắc với chính mình và học cách quản lý thời gian hiệu quả. Có như thế bạn mới cân bằng được việc viết sách với các hoạt động khác bên ngoài.

Đồng thời hãy cẩn trọng rà soát những gì bạn viết trên mỗi chặng đường, nhất là với thể loại tiểu thuyết đòi hỏi tính logic, chính xác và kết nối giữa các tình tiết rất cao. Vừa sai vừa sửa từng chút vẫn tốt hơn, chậm rãi nhưng chắc chắn, luyện tập nhiều sẽ thành ra quen và giỏi hơn. Bạn không thể nóng vội, càng không cho mình được phép qua loa hay hời hợt. Nếu vượt qua thử thách quá dễ dàng thì mọi quả ngọt sẽ trở nên vô giá trị.

Bonus thêm 7 tips nho nhỏ xinh xinh để có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một bản thảo là tiểu thuyết có chất lượng:

a, Đọc sách nhiều: tất nhiên là có chọn lọc, có mức độ, có kiểm soát, trong thời điểm viết sách, bạn nên chọn những đầu sách đảm bảo được hai tiêu chí chính là: tạo cảm hứng và cung cấp thông tin, kiến thức xác thực cho bạn.

Tránh tình trạng bị ảnh hưởng bởi văn phong, tư duy của các tác giả khác mình đã đọc, bạn cần rạch ròi hai con người của hiện thực và trong sách vở chứ không dễ rơi vào trạng thái hồn bay vất vưởng, ahihi:) Viết tiểu thuyết đòi hỏi sự hiểu biết chuyên môn sâu và cặn kẽ về nhiều lĩnh vực, sách là vị cứu tinh cho việc nạp thêm thứ bạn cần vào trang giấy.

b, Đi: Nghe thiên hạ đồn đại các tiểu thuyết gia là phải đóng kín cửa phòng, ngồi hùng hục viết liên tục trong bao nhiêu ngày tháng. Mình thì không làm được, kiểu người cuồng chân bắt ngồi một chỗ tưởng tượng thì quả là cực hình. Nếu bạn không hẳn là tuýp người hướng nội, mà vẫn muốn viết sách như mình thì cứ lao ra ngoài mà viết, thấy người thấy cảnh tự khắc có cái viết.

DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie 5Bạn cần học cách cân bằng hai con người của hiện thực và tưởng tượng trong chính mình. Cân bằng là tốt nhưng thuận theo dòng vẫn hay hơn.

c, Một người tin cậy và một chuyên gia: bạn có thể chia làm 2 loại người này là dưới góc nhìn của một độc giả bình thường để họ diễn tả cảm xúc, trạng thái tự nhiên của họ khi đọc bản thảo của bạn và kia là góc nhìn của một người hiểu về sách, kiểu hơi hàn lâm, học thuật một chút để vạch lá tìm sâu, tra ra các lỗi sai logic, bất hợp lý trong bản thảo bạn viết. Phải mạnh dạn đưa bản thảo của mình cho người khác đọc, đó là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để rút ngắn thời gian hoàn thành.

d, Trải nghiệm: nếu nói tiểu thuyết chỉ là tưởng tượng hư cấu thì thật tâm là không phải. Bạn không sống trong nhân vật, hay trải qua trạng thái cảm xúc của nhân vật, bạn khó có thể viết thật và đời được. Bối cảnh hay cốt truyện có thể thay đổi biến hóa nhưng cảm xúc và tư duy thì không. Mình có hai tip dành cho bạn: tự mình trải nghiệm sự việc liên quan đến câu chuyện ở mức độ kiểm soát được và phỏng vấn các nhân vật có trải nghiệm liên quan.

DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie 6Câu chuyện của người khác hoàn toàn có thể trở thành ý tưởng viết lách của bạn.

e, Không kì vọng: bạn đừng quá kì vọng sẽ tạo nên một tác phẩm để đời, tin vào bản thân là tốt nhưng chính kiểu tư duy đó sẽ tạo cho bạn một bức màn ngăn cách giữa bạn với cuộc sống hiện thực. Bạn viết vì bạn thực sự muốn viết và muốn tạo ra giá trị chứ không phải một thứ phông mác để người đời nhìn vào tán dương.

f, Viết không phải là tất cả: mình nhấn mạnh điều này vì nó rất quan trọng. Nói thẳng nghề viết sẽ là một cái gì đó rất mơ hồ, dằn vặt nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc và mục đích của mình. Dreamiie hoàn toàn không tán thành kiểu lao động sáng tạo quên ăn quên ngủ, quên mất những mối quan hệ xung quanh và người ta luôn hình dung khái niệm nhà văn, tác giả, những người cầm bút thuộc tuýp người khép kín, thụ động.

DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN BẮT ĐÂU VIẾT TIỂU THUYẾT I Dreamie 7Chúng ta cần thay đổi tư duy theo cách riêng của mình trước khi tự mặc định một điều gì đó.

j, Chập nhận sự cô độc: muốn viết thực thụ phải chấp nhận sự cô đơn như một lẽ hiển nhiên. Bạn không thể mong ai hiểu mình và dựa dẫm vào bất cứ ai khi bạn chẳng thể làm điều đó với bản thân. Làm mọi việc một mình không hẳn là dở hơi hay ngốc nghếch mà là để tự tìm kiếm, tự thấu cảm với chính mình. Không ai là không thể thay thế, không có cái gì là bất biến. Du sao đi nữa, vẫn học cách lắng nghe, quan sát và yêu thương thật nhiều nhé:)

Cuối cùng, Dreamiie chỉ muốn nhắn nhủ rằng: “Bạn không nhất thiết phải là nhà văn, là tác giả, là blogger hay là một người viết chuyên nghiệp thì bạn mới có thể ra sách, bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó khi bạn tin tưởng vào khả năng viết lách của bản thân và tin tưởng vào các giá trị đích thực mà tác phẩm của bạn sẽ mang đến cho người đọc bằng cái tâm chân thành”.

NHỚ NHÉ, HÀNH TRÌNH VẠN DẶM KHỞI ĐÂU TỪ NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN.

Chúc bạn may mắn!

From Dreamiie with love 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *