Tròn 14 ngày nữa là tới sinh nhật tuổi 24 của tôi. Năm nay, tôi dự định dành tặng cho bản thân một bài viết nho nhỏ để đánh dấu hành trình lớn lên của mình. Một đoạn đường tập làm người lớn không hề đơn giản, một quãng thanh xuân lại từng chút bị rút bớt đi, những bài học đau thương của cuộc đời, của công việc, của gia đình, của tuổi trẻ, của tình yêu đã răn dạy tôi về cái giá phải trả để đổi lấy bình yên, đổi lấy thứ mình mong ước, nó đắng cay và gian truân đến nhường nào. Ngày đó, tôi vẫn luôn nghĩ, đối với chuyện gì mình muốn, chỉ cần bản thân nỗ lực theo đuổi, dành hết tâm sức cố gắng thì cuối cùng sẽ đạt được thôi. Nhưng đời mà, làm gì dễ ăn như thế.

Có nhiều chuyện nhìn bên ngoài rất đơn thuần, dễ đoán nhưng đằng sau nó thì luôn là những bức tranh, những mảng màu, những câu chuyện chồng chéo hỗn độn dưới cái vẻ phông bạt lấp lánh kia. Thường thì không tốt đẹp như những gì người ta cố tình tô vẽ. Chẳng phải thế mà ai cũng đua nhau chạy thật nhanh, tôi cũng không ngoại lệ, vô vàn chú chuột hamster lao đầu vào vòng xoay để đổi lấy thật nhiều vật ngoài thân, chẳng mấy ai chịu hài lòng với những gì mình có. Đôi khi, tôi kiệt sức và bàng hoàng tự hỏi: “Rốt cuộc thì mình đang sống vì điều gì?”.
Thật ra, nguồn cơn của mọi lo lắng không bắt nguồn từ bên ngoài mà đến từ nỗi bất an tự bên trong, của việc không hiểu và không biết yêu thương bản thân mình. Phần lớn chúng ta bất hạnh thường vì lý do này hay lý do khác, có thể do cô đơn, tổn thương nhiều hay vì sống trong những hoàn cảnh buộc phải chấp nhận nhiều éo le, vì chọn lầm yêu thương, vì nhớ thương nhầm người, vì phản bội mà mất hết lòng tin vào cuộc sống.

1. Nơi tiếng nói nội tâm bắt đầu
Tôi có thói quen tự nói chuyện với chính mình, trong bóng tối, dưới tán cây mùa thu, trên chuyến xe từ công ty về nhà, khi tôi quá vui, khi tôi quá buồn, khi tôi hạnh phúc, khi tôi khổ đau. Những cuộc hội thoại với bản thân cũng là cách để tôi bước lùi ra phía sau một chút để quan sát thấu đáo từng suy nghĩ của mình, hiểu được mình, hiểu được tâm can của mình. Nó là một trạng thái của thiền định, tránh xa mọi xao lãng xáo động từ bên ngoài, đối diện với nỗi sợ và lo lắng, dũng cảm chấp nhận rồi từng bước tự chữa lành. Tôi luôn cho phép bản thân mình được lên tiếng, được nói lên tiếng lòng, bày tỏ quan điểm, góc nhìn riêng dù là trong câm lặng hay khi cất thành lời, dù có ai đó phản đối hay chỉ trích nhiều bao nhiêu. Bởi vì có những con đường, ta chỉ có thể đi một mình, mệt mỏi, đau đớn, đơn độc cũng không hẳn nên nói cho người khác biết. Bởi người thực sự thương ta rất khan hiếm, nên việc tận hưởng cô đơn trên hành trình trưởng thành là điều tất yếu.

Đôi khi, cố gắng hiểu nhiều thêm về mình cũng là một cách để yêu thương bản thân. Đặt mình vào vị trí trung tâm và để mọi khía cạnh mình cần, mình muốn xoay quanh sẽ tốt hơn là việc tập trung vào một người hay một thứ gì đó từ bên ngoài, cái mà chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát được. Rất khó để thay đổi một ai đó theo ý mình nhưng làm điều đó với bản thân thì hoàn toàn có thể, thay đổi cách nhìn, thay đổi trạng thái cảm xúc sẽ thay đổi cuộc sống của ta.
2. Liều thuốc đường dài để tự chữa lành cho tâm hồn
Đôi khi, để mình được đau khổ cũng là một cách để yêu bản thân. Sau mỗi biến cố hay thương tổn đi qua, mình sẽ còn lại gì ngoài một trái tim vụn vỡ đầy rẫy những vết cắt đớn đau? Có những lúc, chúng ta cần đau khổ để được lớn lên, để mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Nghịch cảnh sẽ đưa chúng ta đến một lối đi khác buộc bản thân phải trưởng thành.

Ta dần dần bắt đầu chấp nhận chính mình, hiểu tận cùng những nỗi đau và khiếm khuyết của bản thân như lẽ tất yếu. Ta thôi oán trách và dằn vặt vì mình chưa đủ tốt, chưa đủ quyết liệt, chưa đủ cao thượng. Sau một khoảng thời gian tự chữa lành, ta học cách làm bạn với bản thân, chăm sóc và trân trọng suy nghĩ của mình. Trong một xã hội mà ai ai cũng cố gắng đi tìm sự cứu rỗi từ những điều mình không thể kiểm soát, ráo riết đoạt lấy một cái gì đó từ bên ngoài để khiến mình cảm thấy ổn hơn mà quên mất rằng tự thân ta vốn dĩ đã có khả năng tạo ra những kháng thể để tự chữa lành, tự miễn dịch với những nỗi đau tưởng chừng rơi xuống tận đáy như thế. Ta mạnh mẽ và tuyệt vời hơn ta nghĩ rất nhiều. Thời gian đời người không quá ngắn, cũng chẳng quá dài, tháng năm này không chờ đợi ai, cũng chẳng bỏ rơi một ai. Cho nên không cần quá vội vã, nhưng cũng xin đừng mải chần chừ, sẽ luôn có một con đường dành riêng cho ta, thuộc về ta, chỉ cần đứng dậy cất bước lên mà thôi.

3. Yêu bản thân có phải là ích kỉ không?
Một chị bạn làm chung dự án cộng đồng cũ với tôi từng kể rằng: Trước khi kết hôn, như một phản ứng rất đỗi tự nhiên, mỗi lựa chọn hay quyết định chị ấy đưa ra đều lấy mong muốn của bản thân làm trung tâm. Chị sẽ chọn làm những việc chị ấy thực sự muốn, mặc chiếc váy mà chị cảm thấy thích nhất, dễ chịu và thoải mái, ăn món chị thấy ngon và chỉ niềm nở với người chị ấy thực sự quý mến. Ai cũng nói chị ấy sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không màng đến cảm xúc của người khác. Rồi đến khi kết hôn, chị bắt đầu thiên chức của một người vợ, người con dâu, người mẹ, tất nhiên chị bắt đầu sống vì mong muốn và nguyện vọng của người khác hơn. Thứ tự ưu tiên hàng đầu không còn là cảm xúc của bản thân nữa, đôi lúc chị quên lãng rằng mình còn cần là bản thân mình, mọi thứ thay đổi chóng mặt vượt qua khả năng kiểm soát. Nhìn vào gương, chị hốt hoảng nhận ra rằng mình không còn là mình nữa, chị đã vô tình bỏ quên chính mình trong suốt một khoảng thời gian dài. Người ta thôi không còn nói chị là đồ ích kỉ nữa, thay vào đó, theo một cách đánh giá phiến diện, có phần tàn nhẫn, chị được đeo huân chương hy sinh, tần tảo lên trước ngực, một mẫu hình phụ nữ của gia đình đáng được tôn vinh và tất cả những người trong gia đình chồng nghiễm nhiên xem chị là cái máy rút tiền di dộng, dịch vụ dọn dẹp miễn phí hay người bảo trợ cho những sự cố, rắc rối của họ rất đỗi không liên quan đến chị.

Những cái gật đầu đồng ý nói có nơi chị không khiến chị được quý mến thêm, đến cuối ngày, chị tôi cảm thấy như thể mình bị bắt kiệt sức. Sau đó, tôi có hỏi chị: “Vậy đến thời điểm hiện tại, chị thực sự muốn gì?”. Chị thành thật nói: “Ngoài mong muốn mọi người được vui, làm tròn một loạt bổn phận, thiên chức của mình, mong chồng biết quan tâm, chăm lo cho gia đình hơn, con cái ngoan ngoãn, khỏe mạnh, gia đình nội ngoại êm ấm, hài lòng về mình, thực lòng chị không còn ước muốn gì nữa!”. Câu trả lời của chị không có gì lạ, tôi nghĩ sau này tôi cũng sẽ như vậy thôi, những gì chị phải trải qua hay chịu đựng cũng như vô vàn người phụ nữ trong xã hội này. Có được bao nhiêu người đủ bản lĩnh và can trường vượt vòng khỏi cái nôi phong kiến chết tiệt tồn tại mấy ngàn năm qua. Nơi mà hầu hết những người phụ nữ dành cả đời cố gắng để được chấp nhân và nỗ lực vì mong muốn của người khác. Để rồi, đến cuối cùng, họ chẳng hề biết họ thực sự là ai và điều gì là quan trọng với họ. Ý tưởng về việc yêu bản thân là điều gì đó quá xáo rỗng, xa vời và vô cùng ích kỉ, không chỉ bởi họ không hiểu rõ ý nghĩa của cái gọi là “yêu bản thân” mà cũng bởi vì họ thậm chí còn không biết “bản thân họ” thực sự là ai nữa.

4. Cách yêu bản thân thực sự
Việc yêu bản thân, trước tiên cần xuất phát từ sự tự nhận thức về giá trị và năng lực của chính mình, những tiêu chuẩn của bạn, những giới hạn mà bạn chấp nhận hoặc là không chấp nhận để người khác đối xử với mình, một cách rõ ràng, chân thực. Nó đến từ việc bạn đủ bản lĩnh để bảo vệ cho mong muốn của bản thân, đặt ranh giới và là người chủ động cho phép ai bước đến, hoặc là người rời đi trong cuộc đời của mình. Chắc chắn nó không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc bạn dành ra bao nhiêu phút mỗi ngày cho việc tập thể dục, đi spa chăm sóc da và mua mỹ phẩm xịn một tháng mấy lần, không chỉ là việc nuông chiều bản thân với thật nhiều đồ ăn ngon cùng những chuyến du lịch xa xỉ đến thật nhiều nơi xinh đẹp trên thế giới. Tất nhiên, tất cả chúng đều có thể hiểu như là một trong những trạng thái của yêu bản thân nhưng đặt lên trên hết thảy, chúng đến từ cách bạn thấu cảm, tin tưởng và chấp nhận chính bản thân mình đến nhường nào, như lẽ vốn dĩ tất yếu của nó.

Là thời điểm mà bạn ngừng so sánh điểm xuất phát của mình với đích đến quả ngọt của người khác, là lúc bạn thôi không còn phán xét, thẩn thơ, chán chường chỉ vì chuyện thế gian, là khi bạn cho phép mình được mắc lỗi, được vấp ngã và làm lại. Trạng thái ấy cần được củng cố theo tháng năm cùng sự tỉnh thức qua từng sự kiện bước qua trong đời, không thể khẩn trương, không thể vội vã. Nếu bạn tức giận với lỗi lầm của ai đó, bạn sẽ nhận ra sai lầm đó ở chính bản thân mình; Còn khi bạn yêu quý ai thì đó chính là sự phản ánh tình yêu bạn dành cho chính mình. Có một điều nữa là bạn có thể lập kế hoạch cho tương lai, nhưng bạn phải sống cho hiện tại. Bởi vì, ngay cả khi bạn cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của mình thì luôn có những bất ngờ, cơ hội xảy ra mà nếu bạn không để ý, nó sẽ trôi qua rất nhanh. Sống cho hiện tại, tận hưởng những gì bạn có và ngày mai của bạn sẽ trở nên tốt đẹp.

Hơn thế nữa, bạn không cần phải là một người trong đám đông, và bạn cũng không cần ai cho phép để là chính bạn. Bạn là bạn, và nếu người xung quanh không thể chấp nhận được điều đó thì đó là vấn đề của họ chứ không phải của bạn. Điều này không có nghĩa bạn cần phải trở thành người ích kỷ, nhưng bạn cần nhớ rằng không có gì là tội lỗi nếu đôi khi bạn ưu tiên trước hết cho những nhu cầu cá nhân của mình
5. Duy trì thái độ sống yêu bản thân
Yêu bản thân đích thị là một cuộc kháng chiến trường kì cần lắm bản lĩnh và lòng dũng cảm, nó buộc bạn phải bước ra ngoài kia và thử những điều mới, nó ép bạn im lặng ngồi xuống để lắng nghe tiếng nói, cảm xúc của chính mình. Vượt lên trên tất cả, nó giữ lại đức tin về sự bình yên cho tâm hồn cũng như rất nhiều khía cạnh khác trong đời: ý thức hệ về bản thân, khái niệm hạnh phúc với riêng bạn, lý tưởng sống bạn lựa chọn, cách bạn đối diện với biến cố, điều bạn trân trọng, tất tần tật mọi thứ mà bạn cho là đúng, là dành cho mình: kiên định, quyết đoán, đầy bao dung. Chiếc đầm công chúa trong cửa hiệu đắt đỏ, chuyến đi Châu Âu xa xỉ với buổi trượt tuyết hứng khởi và vô vàn chiếc ảnh lung linh được cập nhật trên tài khoản mạng xã hội, buổi gặp gỡ hội bạn dấu yêu năm nào, cuốn phim giải trí được phát hàng tuần trong cụm rạp đông đúc ngoài phố, chúng thực sự rất tuyệt, nhưng như mình đã nói đấy, nó giống như khoảnh khắc tươi vui nhất thời, nó không làm bạn hạnh phúc quá lâu và thực tế, nó không hề là bảo chứng vĩnh cửu cho tình yêu của bạn dành cho bản thân, ngoại trừ những mảng miếng kí ức xinh đẹp để thỉnh thoảng hồi tưởng lại.

Theo góc nhìn tương đối chủ quan, yêu bản thân đơn giản chỉ là lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận chính mình, một cách chân thành, vị tha. Từ đó, bạn sẽ có rất nhiều động lực để thể hiện tình yêu ấy bằng những hành động cụ thể và mặc kệ mọi tiếng động xào xáo phá vỡ sự bình an từ bên ngoài. Hãy tin rằng, bạn không hề đơn độc trong cuộc chiến này, thật ra tự thương cảm chính là tình cảm mà ta dành cho chính mình. Kể từ cái khoảnh khắc mà bạn biết thương lấy chính mình, đọc được tên cảm xúc mà mình đang đối diện, nâng niu sự yếu đuối, khờ dại, lầm lỗi của bản thân, ôm lấy chúng, vuốt ve lên từng vết cắt ấy chính là lúc bạn thực sự trưởng thành. Tự thương cảm mình là một con đường dài rộng để yêu lấy bản thân, chúng cho phép ta có thể trở nên trẻ con một chút. Thật ra, ta hoàn toàn có thể điều chỉnh tiếng nói nội tâm mình cần theo hướng nhìn của một nhà văn lạc quan, từ người bà thân yêu hay từ một đứa bạn tốt. Ta cần liên tục tự hỏi: những người tử tế sẽ nói gì với mình lúc này? Họ sẽ đánh giá mình thế nào – họ trân trọng mình hơn chính bản thân mình thế nào. Chúng ta đang học cách chủ động chủ quan hóa những tiếng nói tích cực mình gặp phải, để dần dần nó sẽ trở thành tiếng nói nội tâm mà mình cần.
Yêu bản thân, vì bạn xứng đáng được như thế!
From Dreamiie with love