Trước đây, tôi là một đứa trẻ bị ám ảnh nặng nề bởi hầu hết các tiết học trên giảng đường, bởi đống tài liệu chuyên ngành không mấy mượt mà cần phải hớp sạch trước mỗi mùa thi và trong khoảng thời gian mà ngày ngày vẫn đều đặn ngửa tay xin tiền phụ huynh. Nó khiến tôi phát hoảng sau liên hồi những cơn buồn ngủ kéo dài chưa bao giờ có điểm dừng, những giấc ngủ “sâu” và “êm” được nuôi dường trong giảng đường, mặc dù suy cho cùng đó là ngành học mà tôi nghĩ là mình thích và dư năng lực nhất. Từ ngày vào Đại học, tôi quen với cảm giác tự mò mẫm, cặm cụi trong cái thế giới tri thức riêng của mình vẽ ra, thích gì thì đọc nấy, quan tâm điều gì thì tự thân tìm kiếm rồi xoay xở nghiên cứu, khó hiểu khó nhớ quá thì nhờ các anh chị, những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó giải thích, hướng dẫn. Sự hiểu biết, kiến thức, thông tin có mặt ở khắp mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài ngõ, chỉ cần bản thân thực sự muốn thì hiển nhiên sẽ tiếp cận được. Vậy việc gì phải bỏ ra bốn năm của cuộc đời để đi học Đại học nhỉ? Khi mà nội dung các giáo trình, tài liệu đầy rẫy bao la trên mạng, phương pháp học tập cũng được cập nhật không sót tiểu tiết nào thông qua nhiều trang website, mà chắc gì ra trường đã được làm đúng ngành, đã vận dụng được tất cả những thứ đã bỏ công ra học và cái thời giờ ngồi mài đũng quần nơi giảng đường thì có thể đem ra dụng cho việc lăn vào đời để trải nghiệm, để va vấp hay để kiếm tiền nuôi lấy chính mình. Phải! Đó hoàn toàn là cách nghĩ mơ hồ và thiển cận của một đứa trẻ như tôi hồi mới bước vào năm Nhất, khi đang còn ngồi ngáp lên ngáp xuống trong giờ Đường lối Cách mạng Đảng Cộng Sản từ một thầy giáo tận tâm nhưng đến diễn đạt một vấn đề còn không trọn hơi ở cái tuổi thập cổ lai hy ấy.

Tôi nghĩ đến một thời điểm bất kì nào đó trong đời, dù sớm hay muộn, mỗi người cũng sẽ tự khám phá và nhìn nhận ra một hệ giá trị phù hợp với chính bản thân họ, hoặc là bị áp đặt, hoặc là phải chấp nhận đánh đổi. Đó là lý do vì sao mặc dù bước ra từ cùng một môi trường giáo dục, với cơ hội tiếp nhận tinh hoa tri thức như nhau và điều kiện phát triển bản thân dường như cũng không hề chênh lệch, mà tương lai của mỗi người lại mỗi khác: tài chính, sự nghiệp, cuộc sống, sự hạnh phúc..?. Thành quả phản ánh từ những thang giá trị đó gần như là thước đo chung của cả một xã hội, khi mà người người nhà nhà vẫn không ngừng đánh đồng thực chất của nhau bởi phông mác, tiền tài, sự hào nhoáng bóng bẩy của một cái danh, cái phận nghe rất “kêu” tai, bởi khối tài sản kếch sù sở hữu trong tài khoản ngân hàng và nhiều, rất nhiều thứ khác. Vỡ òa ra nhiều điều từ một người trẻ xuất thân trong bản nền giáo dục thuần túy của nước nhà, tôi không lấy gì làm lạ khi hiện nay cung cầu nhân sự giữa các doanh nghiệp không “khớp” nhau, tỉ lệ cử nhân Đại học, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp đầy rẫy đếm không kịp xuể. Doanh nghiệp thì than trời vì thiếu người phù hợp, kẻ tài thì xếp lớp vô kể nhưng “hợp” đâu không thấy. Các đơn vị đào tạo giáo dục, các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm vẫn mọc lên đều đều, chất lượng chưa phân định rõ nhưng chưa bao giờ sợ tình trạng thiếu sinh viên. Thời buổi này, rớt Đại học mới khó nhọc chứ để vào được Đại học thì còn dễ hơn lật trở bàn tay, luần quần suốt nhiều năm tháng nơi giảng đường rồi cũng sẽ ra được trường, hiên ngang cầm tấm bìa cứng A4 trong tay rồi bước vào đường đời mà bằng phẳng thì ít, còn chông gai, chênh vênh lại quá nhiều.

Đó là một bức tranh đen tối mà ai ai nhìn vào cũng đều ngán ngẩm, tôi từng gặp gỡ rất nhiều người anh, người chị và cả bạn bè của mình rơi vào tình trạng quyết liệt bung ra thì không thể, mà nỗ lực ngồi xuống đến cùng thì lại chẳng đành. Tôi có cô bạn chơi chung nhóm nghỉ học giữa chừng từ đầu năm thứ ba Đại học, không phải vì bất cứ lý do hay trở lực nào tác động từ bên ngoài, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, có thể nói là suôn sẻ nhưng quyết định này bắt nguồn ở chính bản thân cô ấy. Cô ấy cảm thấy không còn hứng thú, không biết tương lai sẽ đi về đâu giữa đống chữ nghĩa bùi nhùi, không khát khao, không say mê, càng không mong cầu điều gì từ thời giờ mỗi ngày lên lớp, cô ấy nói với tôi rằng: “ Thà chết đi ở một xó xỉnh nào đó còn hơn vùng mình loay hoay giữa cuộc đời, mà đến chuyện mỗi sáng thức dậy bản thân cũng không biết mình đang sống vì ai hay cố gắng vì điều gì..”. Rất may hiện tại cô ấy vẫn đang rất hạnh phúc với lựa chọn năm 20 tuổi của mình, ăn nên làm ra từ công việc kinh doanh mỹ phẩm online thuận lợi và theo học lớp thiết kế không chuyên của một người thợ may gạo cội trong nghề. Tức là ở thời điểm bây giờ, tôi đoán sau khi tự tách mình ra khỏi cái thế giới ngập tràn chữ với nghĩa, cái vòng tròn an toàn mà ai cũng na ná như ai thì cô bạn tôi cũng biết được mình muốn gì và thực sự khao khát trở thành ai trong tương lai. Tôi cũng tiếp xúc với không thiếu những người tỏ ra nhàm chán hay thậm chí ghét bỏ chính ngành học của mình nhưng vẫn cố thủ bám theo trong mệt nhoài, đơn giản vì họ không biết mình thích gì, đam mê cái gì và trăn trở để được làm điều gì trong cuộc đời, họ hướng bản thân theo chiều tư duy: “ Thà sống cuộc sống vô vị qua ngày còn hơn chấp nhận mạo hiểm khi không rõ phương hướng”.

Thật ra, ai cũng có cái lý riêng của mình, với những người trẻ, để tự do làm điều mình thích, sống một cuộc sống mình muốn chưa bao giờ là dễ dàng, sẽ luôn phải có sự đánh đổi và gian truân, miễn là hiểu được những đánh đổi, gian truân ấy là xứng đáng, công sức bỏ ra có thể theo đuổi một mục tiêu, cũng có thể dành cho những trải nghiệm, những bài học mới, mọi việc đến trong đời mỗi người đều mang một ý nghĩa tốt đẹp nào đó, sẽ chẳng có khái niệm phí hoài hay hối tiếc nào nếu chúng ta hiểu được cách nhìn nhận vấn đề có chủ đích ngay từ khi nó vừa nhen nhóm bắt đầu. Việc học Đại học hay ngồi trong giảng đường cũng như thế, tất cả xuất phát từ mỗi cá thể, nền tảng giáo dục suy cho cùng cũng chỉ là môi trường, tri thức là tài nguyên, là phương tiện và các giảng viên, thầy cô giáo là những đối tác truyền cảm hứng cho chúng ta. Bạn đã bao giờ cảm thấy sung sướng đến tột đỉnh khi được thẳng thắn thể hiện góc nhìn của bản thân về một vấn đề nào đó liên quan đến bài học chưa? Bạn đã bao giờ đọc từ đầu đến cuối cuốn giáo trình đại cương rồi tự nhận ra rằng nó cũng không đến nỗi khô khan, vô vị như mình tưởng tượng? Bạn đã từng trăn trở đến rã rời tâm trí về cách thức xây dựng nội dung và hình thức đề tài thuyết trình trước lớp sao cho cuốn hút, thực tiễn hay tạo ra giá trị khác biệt hơn là việc làm qua loa sơ sài cốt để lấy điểm chưa? Bạn đã thực sự nỗ lực tự học, tự tìm tòi mày mò trước một kiến thức mới, một tác phẩm hay một đề tài thú vị đến quên bẵng lịch hẹn coffee chém gió với đám bạn thời trung học?

Người trẻ như tôi, thời phổ thông vẫn thường huyễn hoặc mơ mộng đến một giảng đường lý tưởng, nơi mà mật độ tăng cường sự tương tác và phản hồi từ cả hai phía sinh viên với giảng viên là cân bằng, là đồng đẳng, nơi tư duy con người rộng mở và mọi vấn đề được nhìn nhận, chia sẻ một cách đa chiều, trực quan và thẳng thắn nhất. Nếu có một điều khiến cá nhân tôi buộc phải than phiền ở giáo dục Việt Nam thì đó chính là tư duy phản biện, thế hệ sinh viên chúng tôi bị thiếu thốn thứ đó quá nhiều nhưng nói đi cũng phải nhìn lại, điều đó chưa hẳn là tiền đề để giới hạn năng lực của người trẻ. Thay vì ngốn thời gian chăm chăm ngó vào từng cái gạch đầu dòng cần phải thay đổi hay cách mạng gì đấy thì ta có thể bước ra ngoài trải nghiệm được nhiều thứ hơn. Chẳng ai cấm đoán được chuyện những người trẻ sẵn sàng thử nghiệm và chấp nhận sai lầm, hoặc nếu có thì đó là do chính chúng ta chưa thực sự có đủ sức nặng và nội lực để vươn mình thực hiện. Không có đủ thời gian nhưng vẫn còn cách sắp xếp quản lý, không có đủ tài chính thì vẫn có thể tận dụng tài nguyên, các mối quan hệ hoặc cần mẫn kiếm bằng mọi cách, miễn là không vi phạm pháp luật, đừng sợ bản thân mắc nợ bất cứ ai, có vay thì có trả, thế thôi. Không đủ kinh nghiệm nhưng vẫn có nhiều hướng để tích lũy dần dần theo thời gian, miễn là đừng bao giờ để mình dừng lại, không đủ kiên nhẫn thì có thể luyện tập, không đủ kiến thức thì có thể trau dồi.

Cách thức và cơ hội luôn tồn tại trên mỗi chuyến xe, chỉ cần chịu bước lên và kiên trì quan sát, sớm muộn rồi sẽ có hướng đi. Tuổi trẻ đừng vội thành công sớm mà hãy cầu cho bản thân có thể hoàn thiện, tiến bộ hơn ngày hôm qua. Để có thể sống thỏa với đam mê, trở thành kiểu người mà mình ước mơ không phải cứ muốn là được. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận làm những việc mình không hề thích thú, học những điều mà bản thân cảm thấy thừa thãi vô vị, và chấp nhận ẩn mình trong góc tối để rèn luyện, kiên trì, kiên trì và kiên trì không ngừng nghỉ, vì muốn bơi ra biển lớn thì chính tri thức, trải nghiệm, sự chuẩn bị và sự bản lĩnh mới giúp ta đi được đường dài.
Thành công chỉ dành cho những ai có tầm nhìn, luôn mang tinh thần chiến đấu quật cường và hiểu mình, biết mình thực sự muốn gì.

Sẽ không tồn tại bất cứ một giảng đường trong mơ nào nếu mỗi sinh viên trong giảng đường ấy không thể tự thay đổi và định vị được chính bản thân mình. Học Đại học cũng chỉ là một trong vô vàn sự lựa chọn trên cuộc hành trình mà mỗi người đi đến tương lai, nó có thể là bàn đạp, là danh phận, là mục tiêu, là mộng đẹp hay là trách nhiệm, tùy vào cách nhìn của mỗi người, điều đó không quan trọng bằng chuyện tự hỏi chính bản thân mình : “Học Đại học để làm gì?”
Đừng đổ lỗi cho những tàn dư đã cũ, đừng chờ đợi sự đổi thay từ bối cảnh ngoại lực, hãy bước ra ánh sáng, chăm chỉ nỗ lực và hành động dũng cảm như một chiến binh. Bởi khi đã thực sự hiểu thấu được bản chất của việc học Đại học, tự khắc chúng ta sẽ biết mình cần phải nên làm gì!
Chúc bạn may mắn!
From Dreamiie with love
blog này hay phết nhỉ