1. Từ đâu tôi bước đến?
Tôi năm nay 21 tuổi, vẫn sống cùng gia đình và ngày ngày mẹ vẫn phải nhan nhản gọi tôi dây đi học, đi làm vào mỗi buổi sáng. Là một đứa trẻ nghiện ngủ, lười ăn, bướng bỉnh và thích làm theo ý mình. Không có chuyện gì tôi đã quyết rồi lại không thực hiện được, dù cho ba mẹ có hay đồng ý hay không. Dường như mẹ luôn cảm thấy bất lực với cá tính khác lạ của tôi, so với đám con cái của những bà mẹ xung quanh mình. Nhưng ba tôi lại khác, ông luôn tin tôi có những lý lẽ riêng để suy nghĩ và hành xử theo cách không giống ai như thế.

Ba tôi là con trưởng trong một gia đình có bốn anh em trai, thời kháng chiến ông nội tôi từng làm bộ đội đặc công, sau này khi hòa bình lặp lại ông trở về quê phụ trách một chức vụ nhỏ trong ban văn hóa của xã. Gia đình vốn khó khăn trăm bề, suốt những năm tháng thiếu thời, gần như ba đứng ra cán đáng, quán xuyến mọi việc. Ba tôi là kiểu người chuẩn mực, nề nếp, luôn có kế hoạch, lịch trình và luôn có cái nhìn khắt khe với mọi thứ không vừa mắt. Ông sống theo chủ nghĩa cầu toàn, thích sự chỉn chu, thậm chí là khó tính bởi theo quan điểm riêng của ông: Nếu đã nói, đã làm được thì phải cho tới nơi tới chốn, cho ra ngô ra khoai, đừng dở dang, nửa vời, ảnh hưởng đến người khác. Mặc dù là vậy nhưng tư tưởng của ông lại rất thoáng và cởi mở, ông đánh giá vấn đề khá trực quan cũng như kiên nhẫn quan sát chúng từ nhiều phía khác nhau.

2/ Tôi không phải là một đứa con ngoan, hay là một người chị tốt:
Sinh ra trong gia đình có những giới hạn khắt khe về chuẩn mực nhưng không vì lẽ đó mà tôi tự giới hạn cá tính và ý thích của chính mình. Tôi có một cậu em trai năm nay lên lớp 9, khuôn mặt khôi ngô, tính tình lễ phép nên luôn là niềm tự hào của ba mẹ tôi. Hai chị em tôi có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, trong khi đứa em luôn suy nghĩ chững chạc, biết trước biết sau, giỏi tiết chế cảm xúc và nội tâm thì cô chị lại như một đứa trẻ chưa vội trưởng thành, nhõng nhẽo, bốc đồng và luôn gây phiền toái cho mọi người. Nhiều việc trong gia đình đều do em tôi chịu trách nhiệm, ít khi tôi phải đụng chân đụng tay đến. Có vẻ như tôi không phải là hình mẫu của một người chị cả ân cần, tận tụy chăm lo cho em út như trong truyền thuyết. Tôi chỉ có thể truyền đạt cho cậu em 15 tuổi của mình những trải nghiệm của bản thân, hướng dẫn cho nó cách đối diện với khó khăn và bản lĩnh để trở nên khác biệt giữa tập thể, tôi nói cho em tôi về giấc mơ cập kễnh của những đứa trẻ và hiện thực phũ phàng mà chúng buộc phải chấp nhận khi trưởng thành.

Ngày còn bé, tôi luôn là hiểm họa của những người trông trẻ, sự nghịch ngợm và ngang tàn của tôi vượt ngưỡng chịu đựng của một người bình thường. Tôi đổ gạo lên giường và trong những ngách tủ, bày trò trốn tìm cho bọn trẻ trong khu phố ở nghĩa trang, lôi quần áo treo trên tủ xuống để cắt dán tạo hình và nhè mỗi thìa cơm ra ngay sau khi được người lớn đút vào miệng. Tôi đòi ba chở đi thú nhún ở khu vui chơi giải trí vào mỗi buổi tối trong tuần và nằng nặc ăn vạ để có được bộ váy đỏ xinh xắn của bà già Noel vào mỗi dịp giáng sinh. Năm 13 tuổi, tôi trốn học đi chơi game cùng đám con trai trong lớp và bị ông đánh cho một trận thừa sống thiếu chết đến nhớ đời, ông phạt tôi bằng cách cho tôi nghỉ học suốt một tuần trời trên trường, không cho tôi ra ngoài hay gặp gỡ ai. Ông càng nghiêm khắc thì tôi càng chống đối. Ông càng nhỏ nhẽ thì tôi càng được nước làm tới. Tôi không phải là một đứa trẻ ngoan nhưng ba vẫn yêu thương tôi, ông tin rồi tôi sẽ trưởng thành và khôn lớn nhanh thôi!
3/ Ba chưa bao giờ ngừng hy vọng và tin tưởng nơi tôi:
Ngay cả khi bản tính của tôi tai ương và ngược ngạo như thế thì ba vẫn chưa từng cảm thấy lo lắng về tôi. Ông tin tôi luôn làm chủ được trước mỗi quyết định của đời mình và quan trọng là biết chịu trách nhiệm trước mỗi cú vấp, ông biết tôi là đứa lì lợm, cứng đầu và không bao giờ biết khái niệm bỏ cuộc là gì. Mặc dù chưa một lần nói ra nhưng tôi hiểu ông vẫn không ngừng tin tưởng cũng như tự hào về tôi.

Bằng giờ này năm ngoái, tôi và cô bạn cùng phòng đã nghiền đi ngẫm lại hơn chục lần bộ phim “Điều kì diệu từ phòng giam số 7”, tháng trước tôi và anh bạn học cũ cũng đi xem một bộ phim có đề tài tương tự là “Chuyến tàu sinh tử”- Train to Busan. Hai bộ phim này đều tôn vinh giá trị của tình phụ tử và do Hàn Quốc sản xuất, chúng có kết thúc buồn, hay đúng hơn là bi thảm vì lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Không hiểu vì sao những tác phẩm điện ảnh về đề tài gia đình lại khiến tôi trăn trở nhiều hơn là các chủ đề liên quan đến ngôn tình hay kinh dị. Người cha trong “ Điều kì diệu từ phòng số 7” bị mắc bệnh thiểu năng, bi kịch của ông bắt nguồn từ chiếc cặp táp có in hình thủy thủ mặt trăng mà đứa con gái thích thú qua tấm kính của cửa hiệu trong khu phố, nhiều tháng sau đó tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu thoại: “Tôi sai rồi , cứu tôi với” tràn ngập trong nghẹn ngào, những câu nói của người cha mong muốn ở bên cạnh đứa con gái nhỏ suốt quãng đời còn lại. Hay hình ảnh người cha bằng mọi giá cào bới lật tung miếng kim loại nặng trịch của chiếu tàu vỡ nát để cứu đứa con gái dù cho đôi bàn tay đã bật máu, hy sinh bản thân để giành lấy sự sống cho con mình.
4/ Cuộc đời này thực sự rất đáng sống, cho những ai biết trân trọng:
Tôi nghĩ sau cả đoạn dài mà một đời người phấn đấu, danh vọng, tiền tài cũng sẽ trở nên vô giá trị nếu như tình thân không tồn tại, giữa nhân gian này người ta đến với nhau vì tình yêu thương và giữ nhau ở lại cũng vì tình yêu thương. Cha mẹ, con cái đến với nhau ở kiếp này là do nhân duyên, vậy nên hãy cứ sống đầy nguyên, bình dị và thanh thản đến từng khoảnh khắc. Bởi liệu kiếp sau có được gặp lại, liệu kiếp này đến một lúc nào đó người đi kẻ ở. Sự đời vô thường, được mất nhanh như chiếc lá rơi, không ai đoán biết trước được ngày mai và không ai có đủ màu nhiệm để thay đổi được quá khứ.

Hãy khoan dung với những điểm khuyết của cha mẹ vì họ cũng là người trần mắt thịt như ta. Cũng giống như việc họ đã vị tha, chấp nhận những sai lầm vụng về của ta từ thưở bé dại mãi cho đến lúc trưởng thành như thế nào. Đời này rất ngắn, ba mẹ không thể sống cùng ta đến cuối, ba mẹ không thể sống thay cuộc đời của ta, đôi bàn tay ấy chỉ có thể nâng đỡ tinh thần cho ta những lúc ngã ngựa thương đau chứ không thể dùng đôi chân của họ để đứng lên hộ ta…
“ Con được hạnh phúc thì ba cũng sẽ vui vẻ/ Con gặp bất hạnh thì làm sao tâm ba an yên cho được…?
Điều quan trọng là bản thân con phải tự hỏi chính mình rằng: con sẽ trở thành ai trong tương lai, con sẽ đóng góp được gì cho cuộc đời và những điều đó có thực sự khiến con cảm thấy hạnh phúc.

5/ Rồi con sẽ trưởng thành:
“Con còn nhớ như in mỗi sự kiện của con trong quá khứ luôn có sự hiện diện của cả ba lẫn mẹ. Đó là niềm hạnh phúc vẹn đầy nhất mà tuổi thơ con may mắn có được. Điều khiến con nhớ nhất không phải là những lần con đạt được kết quả ngoài mong đợi, được vinh danh trước nhiều người, càng không phải là khoảnh khắc con được cả xã hội tán dương trên đỉnh cao của những lời khen ngợi vì làm được cái này, mạnh về cái kia. Kí ức hằn khắc kiên cố khiến cả đời này, vĩnh viễn con cũng không thể quên được, là những lúc con vấp ngã, thất bại, chịu nhiều đối chọi đắng cay từ thế giới ngoài kia, ba mẹ vẫn bên cạnh con, ủng hộ và là hậu phương cho con.
Ngày mà 90% các bạn trong lớp đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, con đã ngồi lủi thủi ở một góc sân trường nhìn gần cả tập thể lớp lên sân khấu nhận thưởng vì đứng ở vị trí gần chót lớp. Ngày mà con rơi vào top những học sinh có nguy cơ phải cho ra về ở một trường nội trú có tiếng trong Sài Gòn vì điểm kiểm tra định kì quá thấp so với mức quy định, con đã vật vã khóc trong căn phòng chật hẹp mà cố lắm mới chen chân vào đuợc. Ngày mà con gần như kiệt sức vì cày ngày cày đêm cho kì thi tốt nghiệp rồi đến đại học, vì tư duy giới hạn, không còn cách nào khác, con phải học thuộc lòng hơn 100 đề thi thử đại học và tập phản xạ làm quen với hàng ngàn dạng bài tập khó dễ đủ loại. Ngày mà con ngỡ ngàng nhận ra sự khắc nghiệt của lẽ đời, của việc bươn ra ngoài cuộc sống để kiếm lấy đồng tiền nó gian nan ra sao, của giấc mộng, của đam mê tuổi trẻ miệt mài theo đuổi mãi cũng không thấy chút ánh sáng nào nơi tương lai. Ba mẹ vẫn ở đó, là vòng tay để con ngã vào mỗi lúc thương đau, để con cứ đi thật xa, bay thật cao rồi trở về bất cứ khi nào con yếu đuối nhất.

Dù có là như thế nào đi chăng nữa, thất bại hay đắng cay bao nhiêu lần, con cũng chưa bao giờ mất niềm tin hay căm ghét chính mình cả. Con mừng vì mình đã không bỏ cuộc trong gian khó, con hạnh phúc vì mỗi khi con có ý định buông xuôi thì ba mẹ đã nỗ lực vực con dậy bằng mọi cách, để con có thể tiếp tục chiến đấu và khẳng định mình. Con biết mình khó có thể trưởng thành và trở nên bản lĩnh nếu phải xa rời vòng tay ba mẹ. Nhưng dù khó cách mấy, con cũng phải cố, con không bằng lòng với tính cách yếu ớt của mình ở hiện tại, con càng không chấp nhận việc giới hạn bản thân trong những khuôn mẫu xáo rỗng mà người đời mặc định. Con biết rồi ngày mai, ngày kia và trong suốt phần đời còn lại, con sẽ phải bước đi trên con đường đầy rẫy chông gai mà ba mẹ không thể nào nâng đỡ hay bước thay con được, con biết có những cơ hội trong đời mà nếu con không đủ năng lực để tự mình nắm lấy thì con vĩnh viễn sẽ chỉ là một con ốc bé nhỏ, đáng thương, luôn thu mình trong vòng tròn hữu hạn của bản thân, sẽ mãi mãi quẩn quanh ở những điều quen thuộc và chấp nhận một đời sống trong bóng tối.
6/ Tôi chọn hiếu thuận với cha mẹ theo một cách khác:
“Khi ba già đi, tay chân không còn được linh hoạt, mắt cũng chẳng tinh anh như xưa, ba sẽ nhớ trước quên sau như ông của con bây giờ. Bước đi của ba sẽ loạng choạng thay vì thoăn thoắt như những ngày trẻ cõng con trên vai, ba sẽ lại càng khó tính hơn, khắt khe hơn, và con sẽ lại phải bận rộn hơn, với nhiều mối lo âu của người lớn, sẽ cuốn sâu hơn trong những trầy trật của con đường thực hiện giấc mơ, con sẽ vô tâm lúc nào không hay. Con sẽ ít khi được trò chuyện cùng ba, những cuộc đối thoại đúng nghĩa sẽ vơi dần theo tháng năm bởi vô vàn áp lực cuộc sống. Con thực lòng không muốn viễn cảnh của hai ba con ta sẽ diễn ra như thế, con đường con đi sẽ chẳng thể nào khiến tâm con yên ổn nếu như ngoảnh đầu nhìn lại không còn hình bóng của ba đứng ở đó.

Bằng cách này hay cách khác, con sẽ khiến ba mẹ luôn tự hào mỗi khi có ai đó nhắc về con. Con sẽ không ngừng tìm kiếm và theo đuổi sứ mệnh của bản thân. Con sẽ sống một cuộc đời thật đáng sống, thật hạnh phúc, thật ý nghĩa, sẽ học những thứ mình thích và làm những điều mình thực sự đam mê, con sẽ trưởng thành, trưởng thành một cách thực sự, chỉ trong nay mai thôi. Vì con biết cũng đã đến lúc, con phải nhanh chóng trưởng thành để che chở cho ba mẹ rồi! Con khao khát thực hiện sứ mệnh của đời mình và làm được những việc mà ba đã từng bỏ lỡ vì hoàn cảnh khó khăn trong quá khứ. Con muốn sống thay những giấc mơ của ba, của mẹ như một sự lựa chọn mà con nghĩ là đúng với con, vì con cũng thích, vì con cũng yêu những giá trị đó, từ tận sâu trong đáy lòng. Bởi con chưa bao giờ hứa hẹn sẽ trả ơn công sinh thành dưỡng dục của ba bằng cách này hay cách khác, như là mẹ. Lời hứa sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó chủ nhân không thực hiện được.

Mỗi người đều có một sự lựa riêng trong cuộc sống của họ, con luôn tôn trọng và biết ơn tất cả. Con đã từng nói sẽ không hy sinh tuổi trẻ của mình chỉ để làm vừa lòng ba mẹ, vì vậy con đã cố gắng để là một đứa hiếu thảo theo cách riêng của mình, đó là trở nên mạnh mẽ hơn, giỏi chịu đựng hơn, sống có bản lĩnh và làm chủ được vận mệnh của đời mình”.
Bằng tất cả ngôn từ tốt đẹp và lòng biết ơn vô hạn, xin chân thành cám ơn ba mẹ của con.
Con yêu ba mẹ
From Dreamiie with love