PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC Ở NGUYỄN KHUYẾN, NÊN HAY KHÔNG?
Mình đã từng học ở đây đủ ba năm tròn trĩnh, đủ để nếm trải phương pháp giáo dục của một ngôi trường mệnh danh là: “Lò đào tạo sát thủ đậu Đại học”, không ai không biết. Mình cũng từng chia sẻ rất nhiều về vai trò của tính kỷ luật ở Nguyễn Khuyến góp phần tạo nên một phần con người mình của ngày hôm nay. Nên mình sẽ chia sẻ vấn đề này một cách khách quan nhất, để cho cô chú anh chị nào muốn đưa con mình vào thì nên cân nhắc thật kĩ nhé!
Nguyễn Khuyến, trong mắt nhiều người, có thể là một cái khuôn khá lý tưởng để ép chặt những hạt mầm non hoắt đi đúng với lộ trình chung, thước đo chung, chuẩn mực chung của xã hội. ĐÓ LÀ ĐẬU ĐẠI HỌC. Một sự chuẩn xác, tươm tất, gọn ghẽ, sạch sẽ đến từng ly, hàng nghìn chiếc mắt xích nhỏ quay đều đặn, hối hả trong một guồng máy lớn khủng khiếp, guồng máy ấy có thể nghiền nát cả những khát khao, nguyện vọng, giấc mơ tự sâu thẳm trong tim các em hay những câu hỏi như mình là ai, mình muốn trở thành một người như thế nào và mình đến đây với sứ mệnh gì? Hoàn toàn không tồn tại…

Trở lại với câu chuyện giáo dục của NK và giải mã về sự phủ sóng đông đến tột đỉnh của dân NK tại các trường Đại học điểm trên cả nước, tiêu chí giảng dạy và học tập ngàn đời của truyền thống trường, đều dựa trên ba phương pháp sau:
1/ Kỷ luật thép:
Khỏi phải nói chứ mình dám khẳng định là cả cuộc đời mình, khoảng thời gian cật lực, tập trung, chăm chỉ nhất là dồn vào ba năm cấp 3 ở NK. Từ ngày này sang tháng khác, cứ sáng 5h30 bảnh mắt ra, chuông reo bật dậy ngay lập tức, hớt ha hớt hải ăn sáng xong 6h30 là lên lớp khoanh tay nghiêm túc ngồi ôn bài hoặc chờ thầy phát đề kiểm tra. Rồi miệt mài học cái quái gì, mình thề là mình không còn nhớ, đến 11h30, xếp hàng xuống nhà ăn răm rắp rồi về phòng chợp mắt. Rồi 1h chiều, chuông reo bật dậy pha vội được ly nước lại cuống cuồng lên lớp, lại miệt mài học sấp mặt đến 5h30, xong lại xuống nhà ăn ăn, xong lại về nội trú, tranh phòng tắm sợ lại phải đứng đợi lâu. Rồi chưa kịp sấy được mái tóc đương ướt sũng, cài được cái nút áo cho ra hồn là ba chân bốn cẳng leo 3 tầng lầu để lên lớp học. Chưa kịp thở, thầy đã đọc điểm bài kiểm tra, dưới trung bình chắc mém cả lớp. Đêm về còn mơ thấy đồ thị hàm số với 87658 công thức logarit, nhìn đâu cũng thấy thành phần của 9 tỷ cái hợp chất trên cuộc đời. Nhỏ bạn nằm cạnh giường lâu lâu vả cho vài phát vào mặt vì cái tội đêm rồi còn nói nhảm.

Chưa hết, đang ngủ ngon đến 3,4 h sáng thì mấy đứa nằm giường trên lục đục rọi đèn pin ôn bài. Thế là mình cũng dậy theo, cuối tuần có ông chú chở ra ngoài là háo hức vác theo cả ba lô sách vở để làm bài tập. Người ta mỗi tuần giải một đề ĐH là giỏi lắm, còn mình cắn bút gặm thước được 3 đề một ngày vẫn còn bị chê là quá bèo. NK còn áp dụng chiêu làm nhiều tăng phản xạ, kiểu như luyện tập cái gì trong 10000 giờ sẽ thành chuyên gia của cái đó, và tự kỷ ám thị rất hay. Tức là học sinh được tiếp xúc với đề thi Đại học như cơm bữa mỗi ngày nên nắm rõ cấu trúc, dạng bài, thậm chí là cả mặt chữ và kiểm soát được thời gian, năng lượng làm bài. Nhìn chung, đa số học sinh NK đi thi Đại học tâm lý rất vững vàng, tự tin, kể cả những đứa học dở tệ như mình. Thậm chí kĩ năng đánh lụi hay phán đoán đáp án thần tốc của được các thầy tận tình chỉ dạy trong những ngày cuối 🙂
2/ Cạnh tranh khốc liệt:
Cạnh tranh ở đây, không do nhà trường hay phụ huynh tạo ra mà do các bạn tự tạo ra cho chính mình. Tâm lý thấy ai xung quanh mình cũng miệt mài, cắm đầu cắm cổ học, mình ngồi chơi thì kì quá. Thề mỗi lần mình nói mình học 12C19 là người ta cứ đổ dồn nhìn vào bằng nửa con mắt, kiểu khinh ra mặt luôn í. Xong đợt thi tốt nghiệp 7,5 môn Hóa thấp nhất cả khối, ta nói các bạn lớp khác chạy qua dáo dát xem thần thái tròn méo thế quái nào mà thi có 7,5. Lạy hồn chứ mình rời trường cách đây đã 5 năm nhưng chưa ai hỏi mình cách phân biệt axit với bazo là gì? Nguyên lý hoạt động của con lắc đơn ra sao hay phương pháp dùng đồ thị hàm số để chứng minh có nghiệm. Những bài kiểm tra bất chợt, những kì thi nặng đô không báo trước, những cuốn đề cương dày cộp, xếp chồng lên nhau có thể chôn sống mình trong 1 phút 30 s, và cả những buổi ôn tập nhiều hơn cơm bữa diễn ra nữa. Nhưng bản thân mình biết rõ tại sao mình lại ngồi ở đây, nên chuyện áp lực hay sóng gió học hành cũng qua nhanh lắm. Giờ ra đời rồi mới thấy, năng lượng làm việc và tốc độ tập trung khai thác não bộ chỉ cần bằng 1/10 hồi ở trong Nguyễn Khuyến thôi cũng thừa sức được tăng lương, lên chức, giải quyết khủng hoảng, giỏi chuyên môn hơn hay đi đầu trong bất cứ con đường nào mình chọn.

Lạy hồn thần linh ơi! Albert Einstein từng nói: “ Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”. Cạnh tranh nhau, ganh đua nhau, bỏ mặc hay vượt xa nhau chỉ để bám lấy cái gọi là đích đến của sự được công nhận, của cảm giác rằng mình trở nên tài giỏi, thông minh, xuất chúng. Không thể quở trách bất cứ ai khi điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức, đến ngay cả những đứa ra trường được 5-7 năm như mình, mãi sau này mới ngỡ ngàng nhận ra. Vì cuộc đời mà, đâu chỉ học giỏi là đủ! Nếu bạn thích bình yên, thoải mái thì qua Bhutan hay những nơi tương tự mà sống, còn trong xã hội của chúng ta, vẫn còn cái khao khát gọi là khẳng định mình, còn cần TV, smartphone, internet, đồ hiệu, xe sang thì không học, không phấn đấu, không tranh đua thì lấy gì mà có được. Mình thừa nhận mình là đứa thích hưởng thụ, thích ăn ngon mặc đẹp, thích sống xa hoa, thế nên phải chấp nhận sống dưới áp lực, phải cày, phải quyết liệt không ngừng nghỉ chứ thời buổi này, chẳng đứa nào dại đem dâng của cho ăn không đâu. Cho nên, hãy ngưng than vãn và suy nghĩ nghiêm túc hơn về mục đích của bản thân khi bước chân vào đây!
3/ Sức mạnh đồng thuận của phụ huynh:
Phải thừa nhận một điều, phụ huynh của Nguyễn Khuyến đều là những người tôn trọng và đề cao tri thức. Vào đây không phải hoàn cảnh nhà bạn nào cũng khá giả, đa số các bạn xuất phát từ tỉnh lẻ, nhiều gia đình có đời sống kinh tế trung bình. Có anh thủ khoa mình biết bố mẹ đều làm nông, làm rẫy. Mỗi lần lên Sài Gòn đóng học phí cho anh là ôm theo hẳn một bọc tiền. Mình hỏi sao bác đem nhiều tiền thế, phụ huynh này nói dành dụm mãi số tiền bán cà phê, giữ ở nhà thì sợ mất, xin nhà trường cho đóng liền học phí cả học kỳ cho con vì không có tiền xe đi lại nhiều. Đúng kiểu: “Học cho ước mơ của cha mẹ thành hiện thực” các bác ạ! Hiếm có ngôi trường nào mà nhận được sự đồng thuận, hợp lực mạnh mẽ của phụ huynh như ở trường Nguyễn Khuyến.

Mình hoàn toàn đồng ý với những phương pháp giáo dục theo khuynh hướng “thiết quân luật” của Nguyễn Khuyến. Không thể phủ nhận, bản tính của mình cũng trở nên mạnh mẽ, thích nghi, gai góc hơn hồi nhỏ rất nhiều, một phần là được tôi luyện từ trong trường. Chuyện ai ai cũng mong muốn vào Đại học, công thành danh toại chẳng có gì sai. Nhưng vấn đề ở đây là ta hay nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích.
Mình vào Nguyễn Khuyến là do tự nguyện chứ chẳng phải bị ép uổng gì. Một thời cũng là cô chiêu, quen ăn sung mặc sướng, việc nhà không phải động móng tay, vào đây vẫn thích nghi như thường. Không phải chỉ mình, mà nhiều bạn khác cũng thế. Nói thật, ba mẹ chẳng bao giờ hỏi mình chuyện điểm số, mỗi tuần về nhà chỉ hỏi trên trường có vui không, có thích bạn nào hay chơi thân với đứa nào không. Hồi mình xém bị trường đuổi vì điểm kiểm tra thấp hơn mức chấp nhận, vật vã khóc lóc, ám ảnh tột độ vì sợ kéo vali đi. Thay vì dồn mình đến đường cùng, ba mẹ bỏ hết công việc lên đây ở khách sạn gần trường suốt hai tuần liền để chiều nào cũng tranh thủ vào động viên, chơi với mình. Nói chuyện con chó nhà hàng xóm hay cái áo đầm mẹ mới mua để ở nhà cho con. Mẹ bảo rớt đại học cũng chẳng sao, con cứ làm hết sức mình, nếu không thành thì năm sau mẹ sẽ hành trì cùng con thi lại, không phải sợ, luôn có mẹ ở bên.

Rớt Đại học, bạn vẫn có thể sống, thậm chí là sống tốt. Nhưng nếu bạn không biết mình muốn gì, bạn khao khát điều gì mà cũng không có ý định tìm kiếm điều mình muốn là gì, thì đúng rồi. Bạn chết ở tuổi 18 rồi đó, thời buổi này vào Đại học đâu có khó, đâu còn như thời của bố mẹ chúng ta, cả làng cả tổng mới có 1-2 đứa vào được Đại học là vinh dự lắm. Thật ra, cho đến một ngày, bạn sẽ nhận ra, việc bạn có vào được Đại học trường Top hay không? Bạn thi bao nhiêu điểm hay tấm bằng cử nhân của bạn loại gì chẳng còn quan trọng nữa. Nó sẽ không khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn quá lâu so với việc bạn được sống với đúng khát khao của chính mình, được làm những gì mình thích, được phát triển những thứ thuộc về sở trường của bản thân và quan trọng hơn cả là những gì bạn làm có thể tác động tích cực đến cuộc sống những người xung quanh.
Chúng ta chẳng cần phải tuân theo thước đo thành công của bất cứ một ai đó đặt ra, thay vào đó chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên câu chuyện cảm hứng của chính mình. NK không phải là cái khung thành để chúng ta áp đặt vào, nó chỉ là công cụ tăng tốc và giàu nghĩa tình để những người trong cuộc đạt được đúng mục tiêu đặt ra ban đầu. Nên làm ơn nhìn nhận vấn đề đa chiều một chút. Cuộc chơi này không dành cho những kẻ yếu đuối, những cậu ấm cô chiêu không quen chịu khổ, chịu thiếu thốn, chịu áp lực. Cho nên, học giỏi hay học dở vốn dĩ chẳng quan trọng, cái quan trọng là nghị lực vươn lên, biết tiết chế ham muốn, cám dỗ một chút. Vì giỏi thì tốt, nhưng dở thì hãy học cách ăn ở cho tốt để những đứa giỏi về chung lưng đấu cật với mình, học cách quản lý, vận hành, học cách tạo động lực và truyền cảm hứng cho người khác. Không biết có thể hỏi, có thể research, google sinh ra để làm gì? Nếu không có năng lực học thì nhờ sự trợ giúp của công nghệ, nếu không có thực lực thì ít nhất cũng có thể nhận thức được tình trạng của bản thân để trau dồi, phấn đấu, biết mình là ai, đang ở đâu và đi đúng hướng. Quy luật cuộc đời đơn giản lắm, muốn thành công, phải chịu được áp lực và kỷ luật với chính mình. Lỡ làm người rồi, nên hãy sống cho ra sống!

Thời cuộc, môi trường, xuất phát điểm, thậm chí năng lực, trí tuệ có thể tác động, chứ chẳng thể quyết định được tương lai chúng ta là ai cả. Vì vậy, nếu bạn lỡ sinh ra trong một nền giáo dục luôn xếp và đóng gói các bạn gọn gàng trong những chiếc khuôn tương ứng với số thứ tự lớp học được đánh dấu, ngày qua tháng đoạn được yêu cầu giữ trật tự, ngồi im và chỉ giơ tay khi phát biểu, nghỉ trưa chỉ kịp ăn và được nhồi sọ hơn 10 tiếng mỗi ngày, thì cũng không sao cả. Những tháng ngày trong guồng máy công nghiệp ấy, hãy giữ cho mình một ước mơ đủ khiến bạn hạnh phúc mỗi khi nghĩ về, một khát khao đủ cháy bỏng để bạn luôn cảm thấy phấn khích…Và một lý do đủ lớn lao để bắt đầu, để đứng lên, để tỉnh dậy, để khi bạn có được tự do trong tay rồi, nơi chính tâm hồn và thể xác, bạn có thể bay đến chân trời thuộc về bạn. Có thể theo đuổi và sống chết với sứ mệnh của bản thân, và quan trọng, có thể được tìm thấy, được trở thành chính mình, ở phiên bản tuyệt vời nhất! Động lực có thể đưa chúng ta đi rất xa, xa hơn những gì chúng ta tưởng tượng.
Nhiều người thắc mắc, tại sao những tháng năm sinh viên, mình làm việc bên ngoài rất vất vả, có thời điểm cùng lúc còn làm cho 3-4 công ty cộng thêm không ít dự án riêng nhưng mình chưa bao giờ có ý định bỏ học đại học. Áp lực gấp trăm ngàn lần, luôn phải tự đưa mình vào khuôn khổ. Cho dù, khi chưa tốt nghiệp, mình đã nhận được học bổng MBA ở một chuyên ngành khác tại Singapore, mình vẫn sống chết không bỏ ngang ĐH. Bởi vì không như nhiều người khác, hành trình đưa mình đến cổng trường Đại học rất vất vả, mình muốn đi hết con đường này để bù đắp lại công sức mình đã bỏ ra.

Mình nghĩ Nguyễn Khuyến không phải là “sự thất bại của một nền giáo dục” theo cách nhìn nhận của nhiều người qua sự kiện này, sự thất bại đó nằm ở chính các bậc làm cha làm mẹ…Cha mẹ chỉ nên là người dẫn đường, tạo điều kiện cho con được phát triển theo hướng nó muốn thay vì kì vọng, áp đặt trở thành ông này bà nọ, lừng danh xuất chúng trong khi chỉ cần sống một cuộc đời bình thường nhưng đầy phẩm giá cũng là đáng quý rồi! Xin đừng đổ lỗi, nhục mạ cho một tổ chức đã và đang không ngừng làm tốt vai trò của nó, nếu có sự cố, cũng chỉ là do những người trong cuộc chưa thực sự sẵn sàng bước vào cuộc chiến khốc liệt này!
Chúc bạn may mắn
From Dreamiie with love