Tôi sinh ra trong một gia đình có cả cha và mẹ đều là doanh nhân, họ xây dựng cơ ngơi hiện tại từ hai bàn tay trắng và vẫn miệt mài làm việc trung bình 10-12 tiếng đồng hồ/ ngày. Cha mẹ tôi thuộc tầng lớp doanh nhân thế hệ trước, từng một thời khuấy đảo thị trường cà phê và bây giờ là ngành thời trang tại khu vực phía Nam. Tôi từng chứng kiến thời kì tái đầu tư trong gian khó, bao lần thành bại và những bước biến chuyển rồi dần dần “thay máu” trên bước đường sự nghiệp của cha mẹ mình ngay từ ngày còn rất nhỏ. Tuy nhiên, khác hẳn so với hầu hết những đứa trẻ được sống trong nhung lụa đồng trang lứa, hồi ức tuổi thơ của tôi không phải là những lần đi học có xe đưa xe rước, không phải là hình ảnh được ngập ngụa trong đồ ăn ngon hay quần áo đẹp, mà là tháng ngày tự thân vận động, tự tư duy và tự trải nghiệm cuộc sống của chính mình. Những cuộc bàn luận về các thương vụ kinh doanh, trao đổi về thị trường, sản phẩm, nhân sự hay cơ hội của cha mẹ trở thành một phần không thể thiếu trong các bài giảng mà tôi vô tình được nghe ra rả mỗi ngày, nó thấm nhuần trong tư tưởng và tiềm thức của tôi. Tinh thần coi trọng đồng tiền, làm việc chăm chỉ, sáng tạo và không ngừng đổi mới chính là những phẩm chất đã “ăn vào máu” mà tôi học được từ hai đấng sinh thành của mình. Sau này, khi đã lớn khôn, chính nhờ nền tảng sống vững vàng ấy mang đến cho tôi nhiều cơ hội để tự lực trưởng thành và từng bước hiện thực hóa khát vọng bằng chính đôi chân nhỏ bé của mình.

Tôi từng tâm đắc đoạn trích về khái niệm “vùng an toàn” trong bài post trên trang cá nhân của một người cô làm việc trong lĩnh vực tài chính và tư vấn nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Đông Nam Á mà bản thân luôn ngưỡng mộ suốt nhiều năm qua, đại thể: “Mỗi người đều có một ‘vùng an toàn’, tiếng Anh là ‘comfort zone’. Ở đó, mọi thứ xung quanh đều quen thuộc, mọi điều cần biết bạn đều đã biết. Và thế là, ta trốn trong cái ao làng đó, đưa ra đủ mọi lý do để quanh quẩn ở đó, chỉ vì ta sợ hãi thế giới to lớn ngoài kia, sợ hãi những điều chưa biết. Khổ một nỗi là nếu không mạnh dạn bước ra khỏi cái ao làng, bạn sẽ chẳng bao giờ học được điều gì mới, và sẽ chẳng bao giờ tiến thân được trong công việc hay sự nghiệp của mình”. Có lẽ, những tháng năm làm sinh viên sắp sửa qua đi, ngay thời điểm bước ra khỏi cổng trường Đại học, vài nhóm người trẻ như tôi sẽ chính thức đối điện với biển đời, đầy rẫy mảng tối và lắm gian khó chông chênh, rồi tôi sẽ bắt đầu cuộc sống của một người lớn, đúng nghĩa. Chúng ta có quyền lựa chọn cả đời sống trong những “cái nôi an toàn” được vạch định sẵn hoặc là không. Tôi biết sớm muộn gì rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn nhưng nếu một người trẻ lại chỉ biết đi tìm kiếm sự ổn định trong cuộc đời thì thật là lãng phí. Vì thế tôi đã chọn con đường dấn thân, đã chấp nhận thoát ra khỏi “cái nôi an toàn” ngay từ những ngày đầu nhận thức được trách nhiệm, sứ mệnh và giá trị của bản thân.

Tôi luôn ý thức mình là một đứa trẻ may mắn vì nhận được sự hậu thuẫn và yêu thương của gia đình. Cha mẹ cho tôi tự lựa chọn và quyết định ngành học mình yêu thích, tự do theo đuổi đam mê, tự trải nghiệm dấn thân để lục tìm ra con đường dành cho riêng mình ( ở cái thời điểm mà tôi chưa biết mình là ai và mình thực sự muốn gì). Tôi chưa một lần phải lắng lo đến chuyện cơm áo gạo tiền hay nhu cầu vật chất của bản thân cần được đáp ứng, tôi không bị áp đặt bởi khuôn mẫu của bất cứ ai, không bị mang ra so sánh xét nét với mặt bằng chung, càng không bị đốc thúc bởi những lời cam kết, những lời hứa hẹn hay thề thốt, tôi được sống những ngày tuổi trẻ tự do và thử nghiệm, dù rủi ro vẫn mặc sức đi đến cùng, lỡ có ngã đau cũng còn vòng tay mẹ cha bên cạnh.

Ngay từ đầu, không phải ai cũng may mắn tìm thấy niềm đam mê hay biết được sứ mệnh của cuộc đời mình là gì, tôi cũng vậy. Không biết thì đi tìm, tìm cho bằng ra thì mới thôi, ra rồi thì phải theo đuổi đến cùng, trời có sập xuống cũng quyết tâm không bỏ cuộc ngang xương. Vừa bước sang tuổi 21, tôi đã chủ động dấn thân trong khá nhiều lĩnh vực, thử sức ở các vị trí ngành nghề và làm việc trong những môi trường khác nhau, tiếp xúc giao lưu với nhiều nhóm người, để biết cái gì phù hợp với mình, cái gì là ngoài tầm với, cái gì nên buông, cái gì nên nắm, cái gì nên tập trung phát triển, cái gì nên bỏ lơ nhắm mắt mà quên đi. Tôi học chuyên ngành văn với tâm lý thủ thế cốt lấy được tấm bằng Đại học chính quy giữa một cái xã hội quá quan trọng phông mác này, dù sao nó vẫn là thế mạnh về chuyên môn khiến tôi không phải chật vật thủ tục ra trường. Năm thứ 2 Đại học, tôi học song song thêm quản trị nhân sự, xây dựng chiến lược, vận hành và phát triển thương hiệu vì cảm thấy có hứng thú yêu thích, đồng thời nhằm phục vụ cho công việc tại công ty truyền thông. Tôi còn làm thêm MC, tổ chức sự kiện, môi giới bất động sản hay hoạt động xuyên suốt trong các tổ chức phi chính phủ, tham gia vài nhóm dự án khởi nghiệp về thời trang, công nghệ hay giáo dục. Hầu hết những công việc tôi làm đều không có mưu cầu nhận lương mà vì tính chất, môi trường, nhân tố con người thu hút, mới mẻ khiến tôi muốn đóng góp và mong có cơ hội học hỏi, trải nghiệm. Tuổi trẻ của tôi là những chuỗi ngày dài kiệt sức trong hạnh phúc, cảm giác lần mò trong bóng tối nhưng chưa bao giờ nguôi hy vọng, nhụt ý chí. Cảm giác chỉ cần bước thêm một bước nữa thôi là sẽ nhìn thấy được giấc mơ và sứ mệnh của đời mình, giống như đang đi trên tàu lượn siêu tốc vậy, vừa run rẩy vừa sảng khoái, vừa chóng mặt nhưng lại vô cùng thỏa mãn.

Dù năng lực hạn chế, kinh nghiệm trống hoác, ngoại hình nhỏ bé nhưng nhờ liều lĩnh dấn thân, chịu khó học hỏi cùng tinh thần cầu tiến, tôi vẫn từng có cơ hội được thực tập tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về thời trang khi chỉ mới là cô sinh viên năm 2. Nhờ liều lĩnh dấn thân, tôi đã có dịp được ngồi ăn uống, trò chuyện, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ những nhà sáng lập và điều hành ở nhiều tập đoàn, công ty danh tiếng tại Đông Nam Á. Nhờ liều lĩnh dấn thân, tôi đã chứng minh bản thân mình có thể làm tốt được nhiều việc, ở nhiều vị trí mà trước đây mọi người xung quanh vẫn luôn hoài nghi, dè bỉu. Và cũng nhờ liều lĩnh dấn thân, mà tôi mới bắt được tần số giấc mơ của chính mình, gặp gỡ được những con người tuyệt vời trên xuyên dọc hành trình và sống với những ngày tháng tuổi trẻ ngập tràn cảm hứng. Như thế!

Quan điểm của tôi là phải nhìn thấy con đường của chính mình trước khi nghĩ chuyện làm thế nào để tìm được người bạn đồng hành tâm đầu ý hợp nhất.
Hành trình đi đến giấc mơ có đôi khi phải chấp nhận sự cô đơn và đánh đổi rất nhiều thứ, quan trọng vẫn là ý chí bền bỉ và lòng kiên gan không thể đổi dời.
Phải trân quý và làm tốt từng công việc nhỏ bé trước khi bắt tay khởi sự chuyện tầm cỡ, tích tiểu thành đại, cơ nghiệp lớn lao được gầy dựng nên bằng những nỗ lực và kiên trì không mệt mỏi.
Lựa chọn dấn thân khiến tôi được nhiều hơn là mất, cho tôi bài học giá trị hơn là những vụn vỡ tổn thương. Chấp nhận thoát ra khỏi “vùng an toàn” cố hữu khiến tôi nhận ra mình có thể làm được nhiều thứ lớn lao hơn, biết được hóa ra ngưỡng chịu đựng của bản thân cũng không hề kém cỏi chút nào, tạo cho tôi động lực để từng bước nâng cao ngưỡng chấp nhận của mình lên, cầu tiến và không ngừng khát vọng. Tôi muốn chia sẻ thông qua bài viết này như một lời cam kết với bản thân, nhắc nhở mình không ngừng chăm chỉ, phấn đấu và tuyệt đối không được tự mãn, càng không vì một lẽ nào đó, mà chấp nhận đánh mất giấc mơ.

Đừng chấp nhận một đời sống theo lộ trình hay kì vọng của người khác, hãy can đảm trở thành con người mà bạn thực sự muốn. Đừng để tâm đến ánh mắt của người đời, họ đâu thể sống thay bạn, hãy cứ sống hết mình mỗi ngày, đốt cháy năng lượng bằng đam mê và những suy nghĩ tích cực, vì thanh xuân hữu hạn, tuổi trẻ cũng chỉ có một lần. Như nữ diễn viên kiêm ca sĩ, biên kịch nổi tiếng người Mỹ Mae West từng nói: “Bạn chỉ sống một lần, nhưng nếu bạn làm đúng, một lần là đủ”.

Cuộc đời giống như quá trình cưỡi một chiếc xe đạp vậy, để giữ thăng bằng, chúng ta phải liên tục di chuyển, không tiến ắt sẽ lùi, hoặc là ngã nhào. Tuổi trẻ là luôn luôn chuyển động, không ngại ngần dấn thân, không sợ hãi trước trải nghiệm mới, cũng không nản lòng khi vấp phải thất bại đắng cay. Một lần đau, cả đời nhớ, qua được một rãnh dốc gian khó là bước lên thêm một nấc thang trưởng thành. Cứ thử đi, vì cuộc đời cho phép, đúng thì tốt, sai cũng không sao, bởi có những khoảnh khắc, những cơ hội chỉ đến một lần, nếu chần chừ do dự, bạn sẽ để chúng trôi qua trong hoài phí. Hãy nhớ! Khi về già, người ta thường hối hận vể những việc mình chưa làm hơn là kết quả xấu của những việc mình dám làm.
Chúc bạn may mắn!
From Dreamiie with love