3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie

Chào các bạn đã quay trở lại với blog dreamiiethan cùng bài viết định kì được cập nhật vào sáng thứ 2 hàng tuần, ngày hôm nay mình vừa tham dự hai cuộc họp thuộc các dự án vận hành thương hiệu mà mình đang tham gia quản lý. Mọi thứ sẽ vẫn diễn biến bình thường cho đến khi các thành viên trong team tranh cãi về một vài định hướng khá gay gắt. Bạn biết đấy, chín người mười ý, và khi ta là người trung lập đứng giữa điều phối, thì việc ta cần làm không hẳn là phân định ai đúng-ai sai, chọn cái này hay loại cái kia mà là cố gắng giữ được hòa khí và sáng suốt nhìn ra điểm gì là tối thượng nhất, hiệu quả nhất cho kế hoạch, lợi ích chung. Cảm giác như mình là cái đứa ba phải duy nhất sắp sửa bị nuốt chửng trong phòng họp đó.

Tự dưng đặt bản thân đứng ra ngoài bức tranh để có thể quan sát tổng thể, nhìn các bạn trẻ 98-99 trong nhóm tranh luận, say sưa đưa ra ý kiến và nỗ lực bảo vệ quan điểm của bản thân. Mình thấy hình ảnh của chính mình cách đây 3-4 năm, khi còn là sinh viên năm 1, năm 2, nhiệt huyết với nhiều hoạt động xã hội, năng nổ đón nhận nhiều luồng thông tin mới và lúc nào cũng cố gắng chứng tỏ mình luôn đúng, để đưa ra giải pháp tối ưu nhất cho tập thể. Nhưng cũng chính những điểm tưởng chừng tích cực ấy lại chính là rào cản ngăn mình đến với tư duy mở để phát triển bản thân và nâng cao được tầm nhìn.

3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie 1
Mình tin bằng một cách nào đó, thất bại và những cú ngã đau đớn khiến chúng ta trưởng thành nhanh hơn, vững hơn, trân trọng đời mình và sống có trách nhiệm và nghĩ cho người khác hơn.

Còn nhiều lắm, nếu không muốn kể rằng mình từng ngốc nghếch và tệ hại trong nhiều việc như thế nào trong quá khứ, đến giờ mình vẫn ngốc nghếch nhưng ít ra mình tin là mình đã ổn hơn ngày hôm qua. Lần này, mình sẽ chia sẻ về 3 thất bại lớn nhất của mình, cái giá mình đã phải trả và bài học rút ra. Thật ra mình viết những điều này cho người trẻ không phải để cố ngăn hay khuyên can bạn cần phải tránh khỏi những rãnh dốc ấy, tất cả đơn thuần xuất phát từ trải nghiệm, câu chuyện, nỗi đau cá nhân. Đương nhiên không ai chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, ngoài chính bản thân mình, nhưng mình tin bằng một cách nào đó, thất bại và những cú ngã đau đớn khiến chúng ta trưởng thành nhanh hơn, sống có trách nhiệm và nghĩ cho người khác hơn.

1 Sợ nói không, sợ bị từ chối, sợ bị ghét, sợ bị bỏ rơi:

Trong quá khứ, mình là minh chứng của việc không bao giờ biết mở miệng nói không hay thẳng thắn từ chối lời đề nghị của bất cứ ai, đặc biệt là những mối quan hệ quen thân thì càng khó hơn. Thế là mình nhận lời, mình làm dù mình thực sự không thích hay không muốn lắm, hay đơn giản mình lười, mình không có hứng thú. Thế thôi! Tất nhiên, chúng ta sống trong cộng đồng đề cao tinh thần tương thân tương ái như văn hóa Á Đông thì việc từ chối lời nhờ giúp đỡ từ ai đó gần như là bất khả kháng. Sau 1 phút 30 giây, ngay lập tức, ta có thể bị khép vào tội ích kỉ, xấu tính, thực dụng, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, rồi biết bao suy diễn ập đến trong đầu nếu mình lỡ nói KHÔNG với ai đó nhờ cậy mình, rằng họ sẽ không còn yêu quý mình nữa, hay ngộ nhỡ sau này mình gặp chuyện họ khoanh tay đứng nhìn thì sao. Nhưng mình đã lầm, mình nhận ra không phải cứ dốc sức làm mọi việc vô điều kiện cho người khác thì ta sẽ được yêu quý, tôn trọng hay bản thân trở nên tốt đẹp hơn trong mắt họ.

3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie 2
Sau này, mình nhận ra nếu làm người tốt với sai đối tượng, sai hoàn cảnh thì rất phiền phức và điều đó thì cũng không giúp mình trở nên thiện lành hơn một chút nào.

Bên cạnh đó, mình nhận ra thường những người trân trọng và thưc sự tha thiết cần mình, họ rất ít khi nhờ vả hay buộc mình phải làm cái này, cái kia giúp họ, nói cách khác, họ coi trọng mối quan hệ giữa mình với họ hơn là để cho mình xử lý một nhiệm vụ nào đó thay họ, rồi sau đó lặn không sủi tăm. Hoặc nếu có, trong chuyên môn, mình sẵn sàng giúp, và họ luôn và sẽ luôn chọn cách đối đãi lại theo nhiều cách văn minh và ngọt ngào, ví dụ như: mời mình một bữa ăn, tặng mình một món quà nho nhỏ hay giới thiệu một người nào đó trong social network ( mạng lưới mối quan hệ) của họ có thể hỗ trợ, giúp đỡ công việc hay khó khăn hiện tại của mình. Sau này, trải qua nhiều việc, mình nhận ra nếu làm người tốt với sai đối tượng, sai hoàn cảnh thì rất phiền phức và điều đó thì cũng không giúp mình trở nên thiện lành hơn một chút nào.

3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie 3
Chính trạng thái lấp lửng, không rõ ràng, sợ bị ghét, sợ bị bỏ rơi rồi để bản thân bị phụ thuộc vào cách người ta đối xử đã biến mình trở nên bị động, và không còn được là chính mình.

Mình rút ra tôn chỉ để sàng lọc những thứ quan trọng đối với bản thân và những ai nên giữ ở lại trong cuộc sống, đó là: một là tình cảm, hai là lợi ích chung. Tình cảm là mình sẽ cam tâm tình nguyện làm mà không mong cầu sự đáp trả từ bên kia, mình làm vì mình thích, mình vui, thế thôi. Nhưng một khi tình cảm đã không còn, thì tuyệt đối không nặng lòng ở lại. Còn lợi ích chung là có sự thỏa thuận minh bạch, rõ ràng về trách nhiệm lẫn quyền lợi của cả hai bên, tuyệt đối không để lẫn lộn, nửa vời giữa hai khái niệm này. Nhiều người mất bạn như chơi cũng vì cái tính này, biến đến, đừng chỉ trách người trở mặt thay lòng, mà nên nhìn nhận lại là tại sao ta lại cho họ có cơ hội làm điều đó với mình. Chính trạng thái lấp lửng, không rõ ràng, sợ bị ghét, sợ bị bỏ rơi rồi để bản thân bị phụ thuộc vào cách người ta đối xử đã biến mình trở nên bị động, và không còn được là chính mình. Điều đó vô tình tạo ra tâm lý dễ lợi dụng khi người khác nhận ra yếu điểm này để sai khiến, thao túng tâm lý mình, khiến cho mối quan hệ trở nên độc hại và tồi tệ đi.

3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie 4
Nhiều người mất bạn như chơi cũng vì cái tính này, biến đến, đừng chỉ trách người trở mặt thay lòng, mà nên nhìn nhận lại là tại sao ta lại cho họ có cơ hội làm điều đó với mình.

2. Không học cách quản lý tài chính, không biết tiết kiệm, vung tiền đầu tư vô tội vạ và những thú vui vô bổ:

Đây là lỗi lầm lớn nhất khiến mình từng một lần làm mất niềm tin của ba mẹ. Có những chuyện kiểu như biết là bất khả kháng ngay từ đầu nhưng các đấng sinh thành vẫn chấp nhận để chúng ta làm cho đã cái nư. Rồi chính cú ngã ấy sẽ dạy chúng ta tỉnh ngộ ra thay vì bỏ một khoản học phí vào một khóa học online nào đó. Nói chung, đời người sẽ trải qua những giai đoạn khác nhau để nhận ra thứ mình cần phải làm, hay không được làm sau đó là gì. Từ bé đến lớn, mình chưa bao giờ có bất cứ kế hoạch tài chính cụ thể nào, cứ tiền vào lại xài, tiền hết lại xin, từ khi đi làm cũng thế, cho mãi đến lúc mình bắt đầu dự án khởi nghiệp đầu tiên. Và thời điểm ba mẹ ngưng trợ cấp hàng tháng cho mình, thì đúng rồi, thảm họa đã ập đến. Mình gần như không có khái niệm nào về quỹ dự phòng, không có tiền trả lương cho nhân sự và các chi phí vận hành dự án trong thời điểm còn đang phát triển sản phẩm cũng như lên kế hoạch gọi vốn ở khắp nơi, quỹ chung, tiền riêng lộn tùng phèo, nhắc đến lại thấy xấu hổ. Khi mình phải đi làm suốt nửa năm trời nai lưng ra để trả nợ cho những khoản đầu tư ngớ ngẩn, khi cả tháng trời mình xấu hổ không dám về nhà vì sợ ba mẹ thất vọng khi không thể tự xử lý những rắc rối mà bản thân gây ra.

3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie 5
Rồi chính cú ngã ấy sẽ dạy chúng ta tỉnh ngộ ra thay vì bỏ một khoản học phí vào một khóa học online nào đó trên hành tinh này. Nói chung, đời người sẽ trải qua những giai đoạn khác nhau để nhận ra thứ mình cần phải làm, hay không được làm sau đó là gì.

Hai năm trở lại đây, mình bắt đầu học cách lên kế hoạch và quản lý tài chính khá chi tiết, tạo thêm nguồn thu nhập khác, luôn bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng, đầu tư khi dám chắc có đủ cơ sở đầu ra và cắt giảm những khoản chi tiêu không thực sự cần. Mình cũng làm từ thiện có chiều sâu hơn, chứ không ban phát vô tội vạ, chỉ hỗ trợ duy nhất một bé, nhưng về lâu về dài. Vì hiện tại mình cũng mới bắt đầu mọi thứ, hy vọng trong tương lai mình sẽ có tiềm lực về cả tài chính lẫn năng lực hơn để làm một cái gì đó bền vững hơn. Tất cả mọi chi tiêu mình đều cập nhật cụ thể lại trong ứng dụng quản lý chi tiêu Money Lover trên điện thoại, không sót một chút nào, từ lọ kem chống nắng cho đến bó hoa tặng sinh nhật đối tác tuần rồi, từ khoản nhận nhuận bút sách tái bản đợt 3, phí tư vấn thương hiệu hay tiền ông bác Việt kiều hứng lên cho cô cháu cũng ghi vào nốt. Nghĩ đến cảnh muốn đi du lịch, du học, muốn sắm đồ hiệu, muốn làm việc lớn, muốn giúp đỡ người khác mà bị rào cản tài chính ngăn lại thì đúng là chịu không được, buộc phải có động lực từ việc nhỏ nhất là tăng thu- giảm chi thôi. Công thức để làm chủ tài chính của mình là 1/10 ( số tiền chi chỉ bằng 1/10 số tiền kiếm được), tính đến thời điểm hiện tại thôi nè. Tương lai chắc sẽ khác…

3. Áp đặt suy nghĩ của bản thân vào người khác

Chúng ta vẫn thường có xu hướng nghĩ và hành xử theo cách của mình, và mặc định tất cả mọi người cũng đều giống như vậy. Ngay cả một món ăn, chiếc váy hay bộ phim, mỗi người còn cảm nhận khác nhau, chứ đừng nói là quan điểm, lẽ sống, hướng đi. Bạn thấy ngon, hay, tốt không có nghĩa người khác buộc phải thấy thế. Mọi suy nghĩ đều xuất phát từ tiềm thức. Nếu bạn tìm được một người có tiềm thức y hệt mình, tức là dấu vân tay, nhận diện, AND,.. đều khớp nhau, thì may ra họ mới giống bạn được. Tuy nhiên, điều này là không thể.

3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie 6
Ngay cả một món ăn, một chiếc váy hay một bộ phim, mỗi người còn cảm nhận khác nhau, chứ đừng nói là quan điểm, lẽ sống, hướng đi. Bạn thấy ngon, hay, tốt không có nghĩa người khác buộc phải thấy thế.

Và có lẽ, những gì chúng ta nhìn cuộc sống đều là dưới lăng kính thế giới quan của mình. Vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi người khác cũng có một lăng kính riêng. Đây có thể nói là thử thách lớn nhất, khó khăn nhất mà đến hiện tại, mình vẫn chưa cải thiện được hoàn toàn, dù đã rất nỗ lực. Giống như kiểu mình mang đến cho họ trạng thái không thể khiến mình vui hay hạnh phúc được. Rồi họ kiểu bất lực và từ bỏ, mình hiểu trước khi muốn thuyết phục ai đó, phải đứng cùng họ trên một chiến tuyến, đặt địa vị của mình vào họ để thấy hiểu chân thành. Bởi trên đời này, chẳng ai muốn quan điểm của mình bị coi là “sai trái, thua kém” cho với quan điểm của người khác. Mình hy vọng trong tương lai gần, mình sẽ dần dần thay đổi điều chỉnh yếu điểm này và có được cơ hội chia sẻ cuộc hành trình gian nan ấy cho bạn ( nếu có thể).

3 THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA MÌNH- CÁI GIÁ PHẢI TRẢ- BÀI HỌC RÚT RA I Dreamie 7
Đối với mình, mỗi lần viết một bài “ngẫm lại” những thất bại hay một lần được dũng cảm đối diện với sai lầm, tồi tệ như thế này là một dịp để thử thách chính bản thân mình.

Ngẫm lại những thất bại đã qua cùng vô vàn lần hành xử ngốc nghếch, mình cảm thấy mình sẽ cần phải thay đổi nhiều trong cách nghĩ và cách sống. Và mình biết bản thân sẽ còn tiếp tục chuyển mình, trưởng thành nhiều hơn nữa trong những năm tới đây. Đối với mình, mỗi lần viết một bài “ngẫm lại” những thất bại hay một lần được dũng cảm đối diện với sai lầm, tồi tệ như thế này là một dịp để thử thách chính bản thân mình.

Còn bạn thì sao? Bạn có những phương án tối ưu nào để có thể cải thiện triệt để ba điểm khuyết này thì hãy giúp mình comment ở phía bên dưới nhé!

Chúc bạn may mắn!

 From Dreamiie with love.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *